Báo South China Morning Post (SCMP) dẫn số liệu từ Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC) cho biết tính đến 19 giờ 17 phút ngày 20-3, tổng số ca tử vong trên toàn cầu vì dịch viêm đường hô hấp cấp do virus SARS-CoV-2 gây ra (dịch COVID-19) là 10.284. Tổng số ca nhiễm là 243.162. Có 85.815 ca được chữa khỏi.
Trung Quốc có 80.867 ca nhiễm, trong đó 3.248 người đã tử vong.
Số liệu tử vong, nhiễm và hồi phục từ COVID-19 do SCMP thu thập từ Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc.
Tổng số ca tử vong ngoài lãnh thổ Trung Quốc hiện nay là 7.036.
Trong đó, Ý cao nhất với 3.405 ca, Iran xếp thứ hai với 1.433 ca, Tây Ban Nha xếp thứ ba với 1.002 ca.
Pháp 372 ca, Mỹ 150 ca, Anh 145 ca (đã tính một ca của quần đảo Cayman -lãnh thổ hải ngoại thuộc Anh), Hàn Quốc 94 ca, Hà Lan 58 ca, Đức 44 ca, Nhật 39 ca, Bỉ 37 ca, Thụy Sĩ 33 ca, Indonesia 32 ca, Philippines 18 ca, San Marino 14 ca, Iraq 12 ca, Thụy Điển 10 ca.
Các nước có số ca tử vong dừng ở một con số: Đan Mạch - Canada (chín), Algeria (tám); Brazil - Ai Cập (bảy); Áo - Na Uy - Úc (sáu); Hy Lạp - Ba Lan (năm); Luxembourg - Thổ Nhĩ Kỳ - đặc khu Hong Kong - Ấn Độ - Lebanon (bốn); Bồ Đào Nha - Ireland - Pakistan - Ecuador - Bulgaria - Morocco (ba); Malaysia - Đài Loan - Argentina - Albania - CH Dominican - Ukraine (hai).
Các nước có một ca tử vong: Slovenia - Thái Lan - Peru - Nga - Mexico - Panama - Hungary - Costa Rica - Croatia - Colombia - Moldova - Tunisia -Burkina Faso - Bangladesh - Jamaica - Cuba - Guatemala - Guyana - Sudan.
Việt Nam hiện ghi nhận 87 ca nhiễm COVID-19, trong đó 16 ca đã chữa khỏi.
Malaysia: Số người nhiễm vượt mốc 1.000
Malaysia ngày 20-3 ghi nhận thêm 130 ca nhiễm COVID-19, nâng tổng số ca mắc COVID-19 ở nước này lên 1.030 ca, bao gồm 26 trường hợp đang phải điều trị tích cực.
Như vậy tới thời điểm này, ở châu Á, Malaysia đã vượt Nhật (948 ca), chỉ đứng sau Hàn Quốc (8.652 ca) và Trung Quốc (80.967 ca) về số ca mắc COVID-19.
Một người đàn ông ngồi tại ga tàu gần như vắng tanh tại Kuala Lumpur (Malaysia). Ảnh: GETTY
Trong số 130 ca nhiễm mới, 48 ca liên quan tới một sự kiện Hồi giáo thu hút 16.000 người tham gia hồi tháng trước gần Kuala Lumpur. Hơn 679 ca nhiễm ở Đông Nam Á có liên quan tới sự kiện này.
Trong số hơn 1.000 ca nhiễm COVID-19 ở Malaysia, hiện nay có 15 trường hợp là nhân viên y tế (gồm 12 nhân viên y tế làm việc cho Bộ Y tế và ba nhân viên y tế làm việc ở khu vực chăm sóc sức khỏe tư nhân).
Theo Tổng thư ký Bộ Y tế Malaysia Noor Hisham, virus lây lan không biên giới, không phân biệt chủng tộc, tôn giáo và tình trạng giàu nghèo, nhất là đối với những nhân viên y tế làm ở tuyến đầu chống dịch. Trong bối cảnh đó, lời khuyên được đưa ra là hãy ở nhà để ngăn chặn sự lây lan của virus.
Ông Hisham nói: “Xin hãy giúp chúng tôi để giúp chính bạn. Hãy ở nhà”.
Nhiều người Malaysia vẫn phớt lờ lệnh phong tỏa khi tiếp tục ra ngoài đi ăn, đưa gia đình tới công viên, bất chấp cảnh báo của cảnh sát.
Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Ismail Sabri Yaakob ngày 20-3 cho biết quân đội nước này sẽ triển khai lực lượng thực thi lệnh phong tỏa nhằm đối phó COVID-19 do nhiều người dân vẫn tập trung đông người.
Hong Kong: Nhiễm mới trong một ngày cao nhất kể từ khi có dịch
Hong Kong ngày 20-3 xác nhận 48 ca nhiễm COVID-19 mới. Đây là mức tăng trong một ngày cao nhất kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát.
38 trong số 48 ca nhiễm mới có lịch sử đi lại gần đây tới những quốc gia gồm Singapore, Anh, Mỹ, Canada, Thái Lan và Thụy Sĩ, Tiến sĩ Chuang Shuk-kwan thuộc Trung tâm Bảo vệ sức khỏe Hong Kong cho biết.
Hiện Hong Kong có tổng cộng 257 ca nhiễm, trong đó 106 bệnh nhân trong tình trạng ổn định và một người trong tình trạng nguy kịch.
Hong Kong cũng xác nhận chú chó của một bệnh nhân nhiễm COVID-19 dương tính với virus SAR-CoV-2.
Nga bắt đầu thử nghiệm các nguyên mẫu vaccine phòng COVID-19
Cơ quan Liên bang giám sát việc bảo vệ người tiêu dùng và sức khỏe con người Rospotrebnadzor thông báo Nga bắt đầu thử nghiệm các nguyên mẫu của vaccine phòng dịch COVID-19.
Các nhà khoa học Nga dự kiến công bố một loại vaccine ngừa COVID-19 trong ba tháng cuối của năm 2020. Ảnh: REUTERS
"Trung tâm Khoa học của Rospotrebnadzor đã bắt đầu thử nghiệm một loại vaccine phòng bệnh COVID-19. Các nhà khoa học đã phát triển các nguyên mẫu vaccine dựa trên sáu nền tảng công nghệ khác nhau. Các nguyên mẫu này sẽ được thử nghiệm trên động vật tại một phòng thí nghiệm ở Siberia” - thông báo có đoạn.
Theo kết quả thử nghiệm, các nhà khoa học sẽ xác định các nguyên mẫu an toàn và hứa hẹn nhất.
Rospotrebnadzor cho hay: “Thành phần, liều lượng, cách dùng vaccine tương lai sẽ được xác định. Các nhà khoa học hy vọng vaccine này có thể đưa vào sử dụng trong quý IV-2020”.
Trước đó, các nhà khoa học Nga thông báo đã giải mã thành công bộ gen hoàn chỉnh đầu tiên của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19. Ngày 18-3, Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adan Gebreyesus thông báo các nhà nghiên cứu đã bắt đầu các cuộc thử nghiệm đầu tiên vaccine phòng dịch.
Hơn 4.000 người ở Triều Tiên hết thời hạn cách ly
Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA ngày 20-3 cho hay hơn 4.000 người ở các tỉnh Pyongan Bắc, Pyongan Nam và tỉnh Kangwon đã hết thời hạn cách ly sau khi các quan chức y tế xác nhận họ không còn triệu chứng của bệnh nữa.
Triều Tiên đến nay cho biết nước này chưa ghi nhận ca nhiễm COVID-19 nào, song truyền thông nhà nước mô tả những nỗ lực chống virus là vấn đề mang tính “sống còn của quốc gia”.
Triều Tiên cho biết tiếp tục duy trì chiến dịch cứng rắn để ngăn chặn sự lây lan dịch COVID-19 tại nước này.
Liên Hiệp Quốc: Suy thoái toàn cầu gần như chắc chắn
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres cảnh báo rằng một cuộc suy thoái toàn cầu “gần như chắc chắn” và các phản ứng quốc gia hiện tại đối với đại dịch COVID-19 sẽ không giải quyết được quy mô toàn cầu và mức độ phức tạp của cuộc khủng hoảng.
Du khách tại sân bay quốc tế Kingsford Smith (Úc). Ảnh: REUTERS
“Đây là thời điểm phải có sự phối hợp, quyết đoán và hành động chính sách đổi mới từ các nền kinh tế hàng đầu thế giới. Chúng ta đang trong tình huống chưa từng có và các quy tắc thông thường không còn áp dụng được nữa” - ông Guterres nói với báo giới tại một hội nghị qua video.
“Một cuộc khủng hoảng toàn cầu - có lẽ là ở quy mô kỷ lục - là điều gần như chắc chắn” - ông Guterres cảnh báo.
Các quốc gia giàu nhất thế giới hôm 19-3 đã rót viện trợ chưa từng có vào nền kinh tế toàn cầu khi số ca nhiễm COVID-19 tăng vọt ở châu Âu.
Với hơn 242.000 người nhiễm và gần 10.000 người tử vong, dịch COVID-19 đã làm choáng váng cả thế giới và chẳng khác nào Thế chiến II, khủng hoảng tài chính năm 2008 và dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918.