Tình hình dịch COVID-19 tính đến trưa 15-2

Thống kê của báo South China Morning Post (SCMP), bao gồm số liệu từ Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC), cho biết tính đến 1 giờ 20 chiều 15-2, trên toàn thế giới đã ghi nhận 1.526 ca tử vong vì dịch viêm đường hô hấp cấp do virus COVID-19 gây ra và số ca nhiễm bệnh là 67.100.

Như vậy, so với số liệu được SCMP cập nhật vào sáng 15-2, đã có thêm ba ca tử vong mới, trong khi số ca nhiễm tăng thêm 206 người.

Thống kê trên cũng ghi nhận được tổng tộng 8.141 ca nhiễm được chữa khỏi, tăng 321 trường hợp so với sáng cùng ngày.  

Thống kê cập nhật của SCMP.

Tại Việt Nam, đến nay số người nhiễm virus COVID-19 là 16 ca, trong đó có bảy bệnh nhân đã hồi phục hoàn toàn và được xuất viện.

“Giai đoạn then chốt nhất” chống dịch COVID-19 ở Trung Quốc

Phát biểu với báo giới ngày 15-2, Phó Chủ nhiệm NHC - ông Vương Hạ Thắng cho biết việc ngăn ngừa và kiểm soát dịch COVID-19 tại địa phương và trên toàn Trung Quốc đang trong giai đoạn then chốt nhất, theo hãng thông tấn Tân Hoa Xã.

“Trong nỗ lực kéo giảm tỉ lệ nhiễm bệnh, tỉnh Hồ Bắc và đặc biệt là thành phố Vũ Hán sẽ tăng cường lực lượng ngăn ngừa và kiểm soát dịch bệnh ở các cộng đồng dân cư và thúc đẩy việc quản lý tại chỗ để đảm bảo mỗi cộng đồng là một pháo đài trong cuộc chiến chống dịch bệnh” - ông Vương nói.

Ông Vương đang là phó chủ nhiệm NHC, kiêm nhiệm bí thư đảng ủy Ủy ban Y tế tỉnh Hồ Bắc và chủ nhiệm Ủy ban Y tế của tỉnh này.

Trước đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 14-2 đã nhấn mạnh yêu cầu cải thiện cơ chế ngăn ngừa và kiểm soát dịch bệnh nghiêm trọng và hệ thống quản lý tình trạng khẩn cấp y tế quốc gia để vượt qua bài kiểm tra về “năng lượng và hệ thống quản trị quốc gia”.

Ông Tập nhắc lại bảo vệ sức khỏe cho người dân là một trong những nhiệm vụ quan trọng của đảng và chính phủ Trung Quốc. Do đó, nước này cần phải cải thiện các điểm còn yếu kém và cởi bỏ các nút thắt đã lộ ra trong quá trình ứng phó với dịch bệnh lần này. 

Thủ tướng Campuchia Hun Sen chụp ảnh với các thành viên du thuyền Westerdam tại cảng Sihanoukville. Ảnh: BỘ NGOẠI GIAO CAMPUCHIA

“Cảm ơn Campuchia đã cho con tàu cập cảng”

Giám đốc điều hành Stein Kruse của hãng tàu Holland America gửi lời cảm ơn lãnh đạo Campuchia, Mỹ và Canada vì đã hợp tác để du thuyền Westerdam của hãng này được cập cảng Sihanoukville (Campuchia), theo đài ABC (Úc).

“Chúng tôi muốn thể hiện lòng biết ơn sâu sắc nhất đối với Tổng thống Mỹ Donald Trump, Thủ tướng Campuchia Hun Sen, Ngoại trưởng Canada Francois-Philipe Champagne, các quan chức của ba nước và các chính phủ trên thế giới đã hỗ trợ và hợp tác hiệu quả để đưa các du khách của chúng tôi về nước” - ông Kruse nói.

Trong khi đó, chiều 14-2 (giờ Mỹ), Tổng thống Trump cũng viết lên Twitter lời cảm ơn dành cho Campuchia: “Cảm ơn đất nước xinh đẹp Campuchia đã đồng ý cho tàu Westerdam của hãng Carnival Cruise cập cảng. Mỹ sẽ ghi nhớ hành động lịch sự của bạn!”

Tàu Westerdam thuộc sở hữu của Công ty Carnival (Mỹ) và do công ty con Holland American vận hành. Con tàu đã bị Nhật Bản, đảo Guam, Philippines, Đài Loan và Thái Lan lần lượt từ chối cập cảng vì lo ngại liên quan đến dịch COVID-19.

Giám đốc Kruse nhắc lại rằng sự việc này là do “sự hiểu nhầm đáng tiếc và tệ hại” đã khiến hơn 2.250 người trên du thuyền phải lênh đênh trên biển trong một thời gian dài. Tất cả những người bị nghi nhiễm virus COVID-19 trên tàu đều đã được xét nghiệm và cho kết quả âm tính với bệnh.

Lãnh đạo vùng dịch xin lỗi người dân vì ứng phó chậm

Lãnh đạo quận Vũ Xương, thành phố Vũ Hán đã đến bệnh viện xin lỗi những bệnh nhân đang trong tình trạng sức khỏe xấu vì không được điều trị kịp thời, theo SCMP ngày 14-2.

Các quan chức Vũ Xương thừa nhận đã xảy ra sai sót trong quá trình đưa các bệnh nhân nghi nhiễm virus COVID-19 đến bệnh viện hôm 9-2. Nhưng họ cũng nhắc lại ưu tiên cao nhất của quận là cho phép tất cả bệnh nhân được nhập viện sớm nhất có thể.

Những người phụ trách chuyến xe vận chuyển bệnh nhân hôm 9-2 cũng được yêu cầu gọi điện thoại cho từng bệnh nhân bị ảnh hưởng để xin lỗi.

Tuy nhiên, hành động của lãnh đạo quận này lại vấp phải sự chỉ trích của cộng đồng mạng. Họ cho rằng chính quyền chỉ cần xin lỗi công khai trên báo.

Nhiều người cho rằng việc đến bệnh viện xin lỗi từng người là không cần thiết và là lãng phí thêm một bộ đồ bảo hộ, trong khi địa phương đang phải vật lộn để đáp ứng đủ nhu cầu bảo hộ cho các nhân viên y tế.

Virus COVID-19 đã có mặt ở cả năm châu lục

Bộ Y tế Ai Cập ngày 14-2 đã công bố một công dân nước ngoài là trường hợp đầu tiên nhiễm virus COVID-19 tại nước này song không công bố danh tính bệnh nhân, theo hãng tin AFP.

Cairo cho biết đã báo cáo ca nhiễm này lên Tổ chức Y tế Thế giới, đồng thời đã tiến hành cách ly người bệnh.

“Hiện người này vẫn ổn định, chưa phát hiện các triệu chứng xấu" - phát ngôn viên Bộ Y tế Ai Cập Khaled Megahed nói.

Ai Cập trở thành quốc gia đầu tiên ở châu Phi xuất hiện ca nhiễm COVID-19, và là trường hợp thứ hai ở khu vực Trung Đông sau Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE).

Trước đó, Bờ Biển Ngà là quốc gia đầu tiên ở châu Phi phát hiện ca nghi nhiễm virus COVID-19 hôm 27-1, theo đài CNN.

Giới chức y tế nước này cho biết người này có các triệu chứng của bệnh như khó thở, ho và hắt hơi sau khi trở về từ Bắc Kinh vào ngày 25-1. Tuy nhiên, chưa có thông tin xác nhận người này đã dương tính với virus COVID-19.

Như vậy, dịch COVID-19 đã chính thức lây nhiễm sang tất cả châu lục có dân cư sinh sống. Ban đầu dịch bệnh bùng phát từ Trung Quốc và đã lan sang nhiều nơi ở châu Á, châu Đại Dương, châu Mỹ và châu Âu. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm