Tổ ấm - nơi tôi muốn trở về

(PLO)- "Tôi phải cố gắng học tập và lao động cật lực để có được một ngôi nhà, một tổ ấm tôi mơ không chỉ cho riêng mình"- tác giả trải lòng trong bài viết gửi về cuộc thi "Tổ ấm tôi mơ" do báo Pháp Luật TP.HCM phối hợp cùng Tập đoàn CT Group tổ chức.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trong tháp nhu cầu Maslow, tầng thấp nhất - nhu cầu thiết yếu có đề cập đến nơi trú ngụ. Khi con người tìm được cho mình nơi trú ngụ, đáp ứng được những nhu cầu thiết yếu thì họ mới “leo lên” được những nấc nhu cầu cao hơn, cao nhất chính là nhu cầu được thể hiện bản thân.

Nơi trú ngụ có thể là ngôi nhà to, cũng có thể là ngôi nhà nhỏ, có thể là mái lều dựng tạm... hay có khi chỉ là một khoảng trống dưới gầm cầu.

Tác giả đang ở phòng trọ tại TP.HCM (ảnh trên) và ngôi nhà thân thương ở quê nhà (ảnh dưới). Ảnh: NVCC

Tác giả đang ở phòng trọ tại TP.HCM (ảnh trên) và ngôi nhà thân thương ở quê nhà (ảnh dưới). Ảnh: NVCC

Theo chân người vô gia cư…

Ở trong ngôi nhà tôi lớn lên, năm nào tôi cũng thủ thỉ với nó: “Đừng có sập nhe, ráng lên” và tôi cứ nghĩ nó có thể sập bất cứ lúc nào. Nhưng đến khi tôi gặp được một gia đình vô gia cư với hai cha con và theo họ về nơi trú ngụ của họ, tôi mới thấy mình quá may mắn vì nơi trú ngụ của mình đã là một ngôi nhà đúng nghĩa.

Nơi cha con người vô gia cư ấy trú ngụ hằng ngày là cái chòi tạm bợ bên một gầm cầu. Mùi sình lầy từ sông cứ bốc lên, sự lạnh lẽo cứ bao trùm lấy hai cha con cô bé và tôi trong căn chòi không đủ ánh sáng.

Khi đó, trong túi tôi chỉ còn đúng số tiền để mua tặng em món đồ chơi là hộp đất sét nặn. Ngay sau khi nhận được món đồ chơi, tôi rất bất ngờ khi em đến ôm tôi như một lời cám ơn. Trong không gian chật chội, tù túng ấy, người cha đã cố gắng để tạo cho người con có một mái ấm gia đình, nuôi dạy con làm người tốt. Giá như cô bé ấy có một tổ ấm vững chắc hơn…

Lúc này, một ý nghĩ thoáng qua trong đầu là tôi phải thoát cái nghèo của mình bằng sự lạc quan và kiến thức mà tôi đã, đang tích lũy được. Tôi phải cố gắng học tập và lao động cật lực để có được một ngôi nhà, một tổ ấm tôi mơ không chỉ cho riêng mình.

Trong không gian chật chội, tù túng ấy, người cha đã cố gắng để tạo cho người con có một mái ấm gia đình, nuôi dạy con làm người tốt. Giá như cô bé ấy có một tổ ấm vững chắc hơn…

… Để thêm yêu mái ấm của mình

Ngôi nhà nơi tôi lớn lên dù không vững chãi cho lắm nhưng tôi xem nó như là một “người bạn khổng lồ” luôn bảo vệ gia đình tôi qua bao nhiêu sóng gió, khó khăn, thăng trầm trong cuộc sống. Người bạn này, mái ấm này đã che chở, chứng kiến từ những ngày tôi chào đời cho đến khi tôi rời xa để lên TP.HCM nhập học.

Nơi vùng quê tôi ở thường có mưa bão. Những lúc bão đến tôi luôn cầu mong cơn bão sẽ mau tan, vì tôi lo cho “người bạn khổng lồ” của mình sẽ không trụ vững để che chở cho gia đình mình.

Đối với tôi, ngôi nhà là nơi chở che cho gia đình tôi trong những ngày nắng mưa, bão táp, lắng nghe bao nhiêu chuyện đời.

Tôi mong tổ ấm tôi mơ trong tương lai cũng là một nơi như thế. Đó chắc hẳn phải là nơi lưu giữ những ký ức thời gian và là nơi nuôi dưỡng những ước mơ của bao thế hệ. Tổ ấm đó là nơi tôi muốn trở về, được lắng nghe, được san sẻ buồn vui, ươm mầm ước mơ và góp nhặt lẽ sống của mình.

Hiện nay, tôi thuê trọ sống cùng hai người em ruột của mình ở TP.HCM để theo học đại học và sau đại học. Hành trình của tôi chỉ dường như mới bắt đầu, phía trước còn nhiều khó khăn. Nhưng để thoát được cái nghèo, có được tổ ấm thì tôi còn phải kiên trì và phấn đấu rất nhiều.

Ba chị em chúng tôi có một giấc mơ là trở thành những công dân có ích, đem kiến thức của mình tiếp sức được cho những bạn nhỏ có hoàn cảnh khó khăn ở TP.HCM và cả nơi chúng tôi được sinh ra - Bình Định.

Tôi tin một tổ ấm ổn định sẽ giúp chúng tôi có không gian làm việc, học tập và sáng tạo tốt hơn.•

Tôi viết những dòng này vào đúng ngày tôi tròn 23 tuổi. Tôi sinh ra ở Bình Định, hiện đang sinh sống và làm việc tại TP.HCM. Tháng 9 này, tôi hoàn thành chương trình đại học (chuyên ngành quản trị kinh doanh) và sẽ học lên sau đại học. Tôi đang công tác tại đơn vị chuyên về huấn luyện doanh nghiệp (coaching) với vai trò là người hỗ trợ (tới thời điểm hiện tại đã được ba năm). Bản thân tôi thích sự tươi trẻ, nhiệt huyết của các bạn sinh viên nên tôi cũng có mong muốn sẽ trở thành giảng viên thỉnh giảng của ngôi trường tôi đã tốt nghiệp.

Mời bạn đọc tham gia cuộc thi “Tổ ấm tôi mơ”

Từ ngày 1-7, bạn đọc trẻ của báo Pháp Luật TP.HCM gửi bài viết tham dự cuộc thi “Tổ ấm tôi mơ” sẽ có cơ hội được trao tặng một căn hộ trị giá gần 1 tỉ đồng khi đạt giải cao nhất của cuộc thi.

Đây là cuộc thi viết do báo Pháp Luật TP.HCM phối hợp cùng Tập đoàn CT Group tổ chức.

Với slogan “Cùng người trẻ kiến tạo cuộc sống”, cuộc thi tạo sân chơi cho các bạn trẻ thoải mái thể hiện khát khao kiến tạo cuộc sống hiện đại, giàu cảm hứng qua việc viết và thiết kế ngôi nhà mơ ước, tổ ấm yêu thương trong tương lai.

Đối tượng tham gia: Là công dân Việt Nam, độ tuổi từ 22 đến 35 (tính đến thời điểm gửi bài dự thi), hiện đang sống và làm việc tại TP.HCM; có khát khao và kế hoạch sinh sống, làm việc lâu dài, cống hiến cho sự phát triển của TP.HCM trong tương lai. Người tham gia thuộc diện chưa có nhà ở, đồng thời cũng không có sở hữu bất kỳ bất động sản nào tại TP.HCM hoặc các tỉnh, thành khác…

Người tham gia sẽ trải qua ba vòng thi: Vòng 1: Viết lại giấc mơ; Vòng 2: Hoạ hình giấc mơ; Vòng 3: Chinh phục giấc mơ.

Tất cả tác phẩm gửi về email toamtoimo@phapluattp.vn

Người đoạt giải cao nhất cuộc thi sẽ được tập đoàn CT Group tặng căn hộ thuộc brand Diyas trị giá gần 1 tỉ đồng.
Người đoạt giải cao nhất cuộc thi sẽ được tập đoàn CT Group tặng căn hộ thuộc brand Diyas trị giá gần 1 tỉ đồng.

Giải thưởng:

5 giải thưởng chính gồm:

+ Một giải Đặc biệt: Một căn hộ thuộc brand Diyas do CT Group trao tặng

+ Một giải I: 40.000.000 đồng

+ Một giải II: 25.000.000 đồng

+ Một giải III: 15.000.000 đồng.

+ Hai giải Khuyến khích: 5.000.000 đồng/giải.

Các giải thưởng phụ:

+ Giải bài viết xuất sắc của tháng: 3.000.000 đồng/giải (mỗi tháng sẽ chọn ra tối đa 2 bài viết xuất sắc nhất).

+ Giải ý tưởng “họa hình giấc mơ” (vòng thi số 2) được bạn đọc bình chọn nhiều nhất trên mạng xã hội: 5.000.000 đồng.

+ Giải “nhà thiết kế đồng hành”: 6 giải dành cho 6 nhóm sinh viên tham gia tư vấn, hỗ trợ cho các thí sinh tương ứng với các giải thưởng của các thí sinh, gồm:

+ Một giải Đặc biệt: 10.000.000 đồng.

+ Một giải I: 5.000.000 đồng

+ Một giải II: 3.000.000 đồng.

+ Một giải III: 2.000.000 đồng.

+ Hai giải Khuyến khích: 1.000.000/giải.

+ Ngoài ra, các sinh viên tham gia sẽ được nhận giấy chứng nhận của Ban tổ chức.

Để biết thêm thông tin chi tiết về thể lệ cuộc thi, cách thức tham gia cuộc thi, thành phần ban giám khảo cuộc thi… bạn đọc vào website của cuộc thi tại địa chỉ toamtoimo.plo.vn.

Trân trọng mời bạn đọc tham gia cuộc thi!

BAN TỔ CHỨC CUỘC THI "TỔ ẤM TÔI MƠ"

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm