Tổ COVID cộng đồng các phường tại TP.HCM tuần tra, giám sát 24/24 giờ

Sau chỉ đạo của UBND TP.HCM về việc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ trên toàn TP từ 0 giờ ngày 9-7, các quận, huyện trên địa bàn TP đã đồng loạt tri63n khai thực hiện.

Lập chốt kiểm soát và đội tuần tra

Ông Nguyễn Minh Nhựt, Chủ tịch UBND quận Bình Tân, đã ký kế hoạch triển khai việc áp dụng Chỉ thị 16 trên địa bàn quận.

quan-binh-tan

Lực lượng chức năng lấy mẫu xét nghiệm tại quận Bình Tân, TP.HCM. Ảnh: NGUYỆT NHI

Theo đó, quận Bình Tân xác định công tác phòng chống dịch COVID-19 là nhiệm vụ chính trị ưu tiên, quan trọng hàng đầu trong giai đoạn này. “Tạm dừng các hoạt động, sự kiện, hội họp chưa thật sự cần thiết để tập trung cao nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo nhằm ngăn chặn, kiểm soát dịch trong 7-10 ngày tới” – ông Nhựt chỉ đạo. 

“Quận Bình Tân tạm thời không nhận hồ sơ trực tiếp của người dân, doanh nghiệp” – ông Nhựt chỉ đạo rõ.

Chủ tịch UBND quận Bình Tân giao Chủ tịch UBND 10 phường phối hợp với công an quận thành lập các chốt kiểm soát tại các khu phố, tuyến đường trọng điểm, khu vực trọng điểm trên địa bàn phường.

quan-binh-tan

Các quận, huyện trên địa bàn TP.HCM tạm ngưng tiếp nhận hồ sơ trực tiếp. Ảnh: LÊ THOA

Mỗi phường thành lập từ 4-7 đội tuần tra, giám sát 24/24 giờ, không để xảy ra việc tập trung đông người, xử nghiêm các vi phạm về phòng chống dịch, đặc biệt là lỗi người dân ra khỏi nhà khi không có lý do chính đáng; tập trung kiểm tra tại nhà nhà trọ, nhà lưu trú có 20 phòng trở lên.

Các phường cũng thành lập bổ sung Tổ COVID cộng đồng theo hướng cứ 100 hộ dân thì có một tổ COVID cộng đồng, nâng cao vai trò của Bí thư, Trưởng khu phố và cán bộ khu phố.

Quận Bình Tân còn giao Phòng Quản lý đô thị quận rà soát các chung cư, nhà ở chưa sử dụng để đề xuất trưng dụng làm khu cách ly tập trung.

Xử phạt nghiêm, không nhắc nhở 

Bà Nguyễn Thị Thu Hường, Chủ tịch UBND quận 10, đã chỉ đạo Chủ tịch 14 phường triển khai thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ từ 0 giờ ngày 9-7.

“Tăng cường kiểm tra, giám sát các biện pháp chống dịch tại địa bàn dân cư, xử phạt nghiêm, không nhắc nhở đối với các trường hợp vi phạm” – bà Hường nhấn mạnh.

Chủ tịch UBND quận 10 giao Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với các phường tăng cường kiểm tra, rà soát địa bàn để kịp thời phát hiện các trường hợp ăn xin, sinh sống nơi công cộng. Từ đó đảm bảo không để xảy ra tình trạng người ăn xin, sinh sống tại nơi công cộng, nhất là tại các khu vực giao lộ lớn, trước các cổng bệnh viện, chợ, siêu thị.

Về công tác tiếp nhận thủ tục hành chính, UBND quận 10 tạm ngưng tiếp nhận trực tiếp hồ sơ, thủ tục hành chính của người dân và tổ chức tại bộ phận một cửa. Quận 10 chỉ tiếp nhận và giải quyết qua dịch vụ công trực tuyến (trừ trường hợp khẩn cấp).

Tại quận 12, Quyền Chủ tịch UBND quận 12 Nguyễn Văn Đức cũng đã chỉ đạo tạm thời không nhận hồ sơ trực tiếp của người dân, doanh nghiệp.

Quận 12 chỉ tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả hồ sơ thủ tục hành chính theo hình thức trực tuyến, qua dịch vụ bưu chính công ích, đối với thủ tục đã được cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4; trừ trường hợp đặc biệt, cấp bách được UBND TP quy định.

Cán bộ làm việc tại nhà phải thường xuyên cập nhật tình hình công việc, mở điện thoại di động 24/24 giờ, không di chuyển ra khỏi nhà nếu không thật sự cần thiết.

“Từng cơ quan, đơn vị kiểm soát chặt chẽ việc phòng chống dịch đối với người ra vào trụ sở, chẩn bị sẵn sàng phương án trong trường hợp công sở vị cách ly, phong toả” – ông Đức chỉ đạo.

Quyền Chủ tịch UBND quận 12 chỉ đạo Phòng Kinh tế lên phương án đảm bảo dự trữ, cung cấp hàng hoá, lương thực thực phẩm cần thiết cho người dân. Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội quận khẩn trương rà soát các trường hợp gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo, công nhân lao động, các hộ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn để kịp thời chăm lo, hỗ trợ.

Danh mục thủ tục hành chính đặc biệt, cấp bách được tiếp nhận trực tiếp và khuyến khích trả kết quả qua dịch vụ bưu điện (theo văn bản số 4230 ngày 3-6 của Văn phòng UBND TP.HCM)

- Thủ tục hành chính liên quan đến công tác đăng ký khai sinh, khai tử.

- Thủ tục hành chính thuộc các nhóm thủ tục liên quan đến: kho bạc, công chứng, chứng thực như di chúc, hợp đồng về biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, đăng ký biện pháp bảo đảm để vay vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh.

- Thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực bảo trợ xã hội, thẻ bảo hiểm y tế.

- Thủ tục khác liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ hàng hóa thiết yếu phục vụ cho công tác phòng, chống dịch COVID-19.  

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm