Bà Nguyễn Thị Kim Yến, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nhựa Bình Minh, đã bức xúc cho biết như trên tại buổi làm việc với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM vào chiều hôm qua (4-3).
Phải mạnh mẽ, đừng sợ sệt
Theo bà Yến, trước đó, theo quyết định của Cục Thuế TP.HCM, BMP bị truy thu và phạt số tiền 117 tỉ đồng, gồm 75 tỉ đồng truy thu thuế và hơn 42 tỉ đồng phạt vi phạm hành chính.
Tại văn bản gửi các cơ quan chức năng, BMP khẳng định không sai phạm mà do cách xác định thời gian hưởng ưu đãi thuế thu nhập DN và niêm yết lần đầu.
“Việc trả lời văn bản đề nghị hướng dẫn về việc hưởng ưu đãi này, giữa Cục Thuế TP.HCM và Tổng cục Thuế có sự không thống nhất. Theo đó, Cục Thuế TP.HCM cho rằng trong cùng thời điểm DN chỉ được lựa chọn hưởng một chính sách ưu đãi.
Trong khi Tổng cục Thuế lại yêu cầu DN đăng ký kê khai với Cục Thuế TP.HCM để được hưởng cả hai chính sách ưu đãi thuế thu nhập DN trong hai năm 2006 và 2007. Khiếu nại nhiều lần rồi DN vẫn bị truy thu 75 tỉ đồng” - bà Yến nói.
Cũng theo bà Yến, DN đã kiên trì đề nghị Tổng cục Thuế và Bộ Tài chính cho các DN được hưởng nốt ưu đãi. Tức sẽ không phải nộp khoản thuế truy thu cũng như nộp phạt vì khai sai và chậm nộp, bởi thực chất đây là do rủi ro chính sách, đồng thời cũng là biện pháp hỗ trợ khó khăn cho DN.
“Hơn 100 tỉ đồng mà bắt DN nộp trong vòng 10 ngày, trong khi còn những vướng mắc thuế chưa giải thích rõ cho DN” - bà Yến bức xúc.
Hậu quả DN bị bêu tên nợ thuế một tháng trên báo chí, nhiều nhà thầu, khách hàng từ chối làm việc vì thông tin công ty còn nợ thuế. Đến nay, ba năm trời vẫn không có quyết định trả lời rõ ràng “minh oan” cho DN.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM làm việc với các DN vào chiều 4-3).
Trước thông tin bà Yến nêu, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nói: “Đưa đơn khiếu nại đây. Khiếu nại DN phải gửi cho tôi và Đoàn đại biểu Quốc hội xem xét giải quyết. Chứ có trường hợp DN gặp vướng, nói xong không thấy gửi đơn, báo cáo sự việc cụ thể lên như vậy thì làm sao giải quyết
Tôi nghe DN hiện nay sợ cấp trên ghê lắm! DN bức xúc nói xong để đó không gửi đơn khiếu nại lên vì sợ đụng chạm. Các DN thời hội nhập phải mạnh mẽ, đấu tranh lên, đừng sợ sệt.”
Nợ 2 tỉ, phạt 1,3 tỉ đồng
Cũng tại buổi làm việc trên, nhiều DN, hiệp hội kêu gặp khó khăn về vốn, thuế, lãi suất.
Ông Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch Hiệp hội DN TP.HCM (HUBA), cho biết việc tiếp cận nguồn vốn với các DN vẫn còn gặp không ít khó khăn. Chẳng hạn DN có phương án kinh doanh tốt nhưng không còn tài sản đảm bảo vì trong giai đoạn khó khăn trước đây, DN đã thế chấp hết tài sản và vướng nợ xấu. Đến nay khi DN đã phục hồi và có những hợp đồng từ khách hàng thì không có vốn. Do vậy DN phải tự xoay xở vốn từ các nguồn khác với lãi suất cao.
Về lãi suất nhiều DN cho biết lãi suất của nước ta vẫn cao hơn các nước trong khu vực. Do đó phải điều chỉnh lãi suất ngân hàng tương đương với các nước để DN Việt Nam có thể cạnh tranh.
Liên quan vấn đề thuế, ông Trần Việt Anh, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Nam Thái Sơn, dẫn chứng có trường hợp DN nợ thuế 2 tỉ đồng nhưng thực tế trong đó 700 triệu đồng là khoản thuế DN nợ còn 1,3 tỉ đồng là số tiền nộp phạt vì nợ thuế quá hạn.
“Nhà nước nên có chính sách xóa nợ thuế cho những DN đang hồi phục hoạt động sản xuất kinh doanh hoặc khoanh lại số nợ thuế đó” - ông Anh đề nghị.
Sau khi lắng nghe ý kiến DN, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho rằng hội nhập thì chính bản thân mỗi DN phải tự nỗ lực tăng sức cạnh tranh mạnh hơn nữa, nếu không sẽ chậm chân với các nước. Có hiệp hội đề nghị hỗ trợ ngành chế tạo khuôn mẫu nhưng hiện nay nguyên liệu cho ngành công nghiệp này là bằng 0. Do vậy bản thân DN phải tìm xem trong một triệu chi tiết ô tô, chi tiết nào DN Việt Nam làm được, giá thành cạnh tranh, còn cái nào sản xuất ra giá thành cao thì nhập có khi hiệu quả hơn…
“Sau buổi làm việc này, Đoàn ĐBQH sẽ tập hợp các ý kiến của hiệp hội, DN xem xét và có phương án giải quyết cụ thể” - Chủ tịch nước nói.
Các DN đang phát biểu tại buổi làm việc với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM vào chiều 4-3