Đây là thông tin được Thiếu tướng Phan Mạnh Trường, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự (C02), Bộ Công an cho biết tại buổi họp báo thông báo tình hình, kết quả công tác công an 6 tháng đầu năm 2024 của Bộ này vào chiều 8-7.
Theo tướng Trường, tình hình tội phạm mua bán người diễn biến phức tạp trở lại. Theo đó, sau khi đại dịch Covid-19 xảy ra và Trung Quốc xây dựng hàng rào biên giới trên đất liền với nước ta thì tội phạm mua bán người giảm rõ rệt.
Tuy nhiên, từ cuối năm 2023, và 6 tháng đầu năm 2024, tình hình tội phạm mua bán người lại diễn biến hết sức phức tạp, đặc biệt trên các địa bàn biên giới giáp với các nước Lào, Campuchia và Trung Quốc, đặc biệt vùng tam giác vàng giáp Myanma, Lào để đưa đi các nước Trung Quốc, Hàn Quốc, Dubai, Các tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất...
Phương thức, thủ đoạn của các đối tượng cũng có sự thay đổi rất lớn, như dụ dỗ yêu đương, tuyển lao động đi xuất khẩu với mức lương cao, nhưng thực chất là bị bán đi làm vợ, gái mại dâm, …
Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2024, C06 đã triệt phá 39 vụ, chiếm 0,1% cơ cấu tội phạm nói chung. Tuy nhiên con số này lại tăng 18,2% số vụ mua bán người so với cùng kỳ năm trước.
Về tiến độ xây dựng Dự án Luật Phòng, chống mua bán người, Thiếu tướng Phạm Công Nguyên, Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp (V03), Bộ Công an, cho biết: Bộ Công an đang xây dựng hồ sơ để trình Quốc hội xem xét và thông qua trong 2 kỳ họp. Kỳ họp thứ 7 vừa qua, Quốc hội đã thảo luận dự án luật này cả ở Tổ và Hội trường.
Theo chương trình, Dự án Luật Phòng, chống mua bán người sẽ được Quốc hội bấm nút thông qua vào Kỳ họp thứ 8.
Hiện nay, Bộ Công an đang tiếp thu và giải trình toàn diện triệt để các ý kiến của Đại biểu Quốc hội. Việc xây dựng luật này thể hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam trong đấu tranh với loại tội phạm mua bán người và thực hiện các chính sách nhân đạo phù hợp với quốc tế.