Tại phiên thảo luận tổ về kinh tế - xã hội của Quốc hội sáng 22-5, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết cách đây hai năm, tỉnh Đồng Tháp có một Việt kiều đưa loài tôm này về làm du lịch.
Chỉ đưa vào nuôi thử quy mô 2 ha nhưng sau đó tôm càng đỏ tràn ra ngoài, cắn phá, tiêu diệt cả những con cá to bằng ngón tay. Sự việc đã được ngăn lại, thì gần đây lại xuất hiện dưới dạng thương mại.
“Tôm càng đỏ là loài vật của nước khác, với hệ sinh thái khác, nền văn hóa khác. Không nên vì lợi ích nhỏ của một bộ phận như thương mại để sau này mất nhiều thời gian, tiền của chạy theo và khắc phục.
Tôi mong địa phương thấy việc gì có lợi cho dân, ảnh hưởng đến sản xuất thì xông vào. Đặc biệt là đại biểu Quốc hội nên đưa nội dung này vào chương trình tiếp xúc cử tri”, ông Cường nói và cho biết đã có văn bản gửi các tỉnh, nhất là tỉnh biên giới phía Bắc tích cực phòng chống sự xâm nhập của sinh vật ngoại lai này.
Tôm càng đỏ, còn gọi là tôm hùm đất là loài vật ngoại lai nguy hiểm.
Ông Cường cũng cho biết hiện nay Việt Nam có khoảng 100 sinh vật ngoại lai gây hại như cây xấu hổ, cây mai dương, ốc bươu vàng... Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đặt mục tiêu đến năm 2020, giảm được một nửa số sinh vật ngoại lai đó.
Về tình hình dịch tả heo châu Phi, tư lệnh ngành nông nghiệp cập nhật số liệu đến ngày 21-5, dịch đã xuất hiện ở An Giang, nâng tổng số địa phương có dịch lên 37 tỉnh, thành với số lượng phải tiêu huỷ khoảng 1,6 triệu con, tương đương 65.000 tấn, chiếm 5% tổng đàn heo nuôi.
Hiện Ban Bí thư đã phải ban hành chỉ thị đốc thúc các cấp ủy vào cuộc, Thủ tướng đã ba lần họp trực tuyến, với 50 văn bản chỉ đạo. Nhưng với tính chất bệnh và đặc thù 55% số hộ chăn nuôi quy mô nhỏ lẻ nên việc ngăn chặn rất khó.