Cho đến nay, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã từ chối tuyên bố căn bệnh hô hấp nguy hiểm là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu, bất chấp sự lây lan từ Trung Quốc sang ít nhất 10 quốc gia khác và số người chết ngày càng tăng.
Virus đã lây nhiễm 2.116 người và giết chết 56 người. Các trường hợp nhiễm virus Corona đã được ghi nhận ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Việt Nam, Singapore, Nepal, Pháp, Úc, Mỹ và Canada.
Một gia đình đeo khẩu trang phòng bệnh ở Bắc Kinh. Ảnh: CNBC
Theo đài CNBC, trong thông báo đăng tải trên Twitter hôm 26-1, Tổng giám đốc Tedros chia sẻ: “Tôi đang trên đường tới Bắc Kinh để gặp gỡ chính phủ và chuyên gia y tế. Đây là hoạt động thể hiện sự ủng hộ với các biện pháp trước virus Corona. Ngoài ra, các đồng nghiệp tại WHO và bản thân tôi muốn hiểu thêm về những diễn biến mới nhất, cũng như tăng cường quan hệ đối tác với Trung Quốc nhằm cung cấp thêm các biện pháp bảo vệ trước dịch bệnh này”.
“Chúng tôi đang làm việc 24/7 để hỗ trợ Trung Quốc và người dân trong thời gian khó khăn này và vẫn liên lạc chặt chẽ với các quốc gia bị ảnh hưởng, với các văn phòng khu vực và quốc gia liên quan. WHO đang cập nhật tất cả quốc gia về tình hình và cung cấp hướng dẫn cụ thể về những việc cần làm để đáp ứng” - ông viết.
Tuần trước, Tổng giám đốc Tedros đã hối thúc Trung Quốc mạnh tay thực hiện biện pháp cách ly “trong thời gian ngắn” để hoạt động kiểm soát dịch bệnh được triển khai hiệu quả. Ông nói: “Nếu chúng ta muốn bảo vệ thế giới, minh bạch là ưu tiên hàng đầu”.
Đáp lại lời kêu gọi từ WHO, Trung Quốc đã tiến hành các biện pháp cách ly tỉnh Hà Bắc, nơi có TP Vũ Hán được coi là trung tâm của dịch bệnh do virus Corona chủng mới.
Thị trưởng Vũ Hán hôm 26-1 cho biết có thể có khoảng 1.000 trường hợp nhiễm virus được xác nhận ở thành phố là tâm điểm của dịch bệnh mới này. Khoảng 5 triệu người đã rời Vũ Hán trước khi việc đi lại bị hạn chế và 9 triệu người hiện đang sống ở đó.