Virus corona: ‘Ngày tận thế’ ở Vũ Hán

“Ngày tận thế” là cụm từ mà người dân TP Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc) mô tả TP này, theo báo Daily Mail. Vũ Hán là trung tâm xuất phát dịch virus corona (virus gây viêm phổi cấp nguy hiểm còn được biết đến với tên 2019-nCoV hay virus Vũ Hán) làm 56 người chết và hơn 2.000 người nhiễm.

Nội bất xuất, ngoại bất nhập

Dịch virus corona xuất phát từ một khu chợ bán hải sản và động vật sống ở Vũ Hán. Từ tuần trước, nhà chức trách Vũ Hán đã quyết định phong tỏa TP để dập dịch. Tại các cửa ngõ TP, cảnh sát được triển khai chặn xe không cho ra lẫn vào Vũ Hán.

Dịch xảy ra trong thời điểm hàng chục triệu người dân Trung Quốc đang trong đợt di chuyển lớn mừng tết Nguyên đán. Nhưng ở Vũ Hán, đường phố vẫn bị phong tỏa.

Sáng 25-1, một hàng dài ô tô nối cả khoảng 20 km ở trung tâm Vũ Hán chờ được ra khỏi TP nhưng cuối cùng bị cảnh sát lệnh quay đầu trở vào TP.

“Không ai được phép rời đi” - một cảnh sát nói.

Nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân nhiễm virus corona tại bệnh viện dã chiến Hội chữ thập đỏ Vũ Hán. Ảnh: AFP

Nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân nhiễm virus corona tại bệnh viện dã chiến Hội Chữ thập đỏ Vũ Hán. Ảnh: AFP

“Thường thì gia đình chúng tôi đoàn tụ đón tết cùng nhau. Nay vì virus mà tôi thậm chí không thể đến thăm bố mẹ” - ông Wang Fang, một công dân Vũ Hán 49 tuổi, nói.

Các nhà báo cho biết chỉ có hai xe được cho phép đi qua, trong đó có một xe tải nhỏ màu trắng được cho là chở nhân viên y tế đi mua thuốc men, sau đó sẽ quay lại TP.

Chiều từ ngoài vào Vũ Hán cũng bị cấm tương tự. Chỉ một số ít trường hợp được phép vào Vũ Hán, như các nhân viên y tế không được nghỉ tết Nguyên đán mà phải tham gia chống dịch.

Có ba y tá trẻ chạy bộ băng qua chốt kiểm soát để đến hai bệnh viện trong TP.

“Chúng tôi về quê đón tết trước khi có lệnh cấm di chuyển nhưng vì dịch mà chúng tôi phải nhanh chóng quay lại Vũ Hán” - một y tá nói.

“Họ cần chúng tôi, nếu không họ sẽ rất mệt” - một nhân viên y tế nói về các đồng nghiệp và cả người bệnh.

Một bác sĩ ngã quỵ vì kiệt sức sau khi chữa trị bệnh nhân. Ảnh: ASB

Một bác sĩ ngã quỵ vì kiệt sức sau khi chữa trị bệnh nhân. Ảnh: ASB

Nhằm đẩy mạnh nỗ lực kiềm dịch, các nhà chức trách mở rộng lệnh cấm di chuyển đến 17 TP lân cận Vũ Hán, hạn chế đi lại với ít nhất 56 triệu dân ở tỉnh Hồ Bắc.

Tuyệt vọng chờ điều trị

Bên trong TP Vũ Hán 11 triệu dân, mọi người vừa lo mua sắm đón tết cổ truyền vừa thi nhau tích trữ khẩu trang và thiết bị y tế ngăn lây nhiễm. Nhân viên các hiệu thuốc mặc đầy đủ quần áo bảo hộ, mang găng tay, đeo một lúc hai khẩu trang che mặt. Một loại thuốc truyền thống Trung Quốc trong điều trị sốt rất đắt hàng, mỗi người chỉ giới hạn mua hai hộp. Đài phát thanh liên tục nhắc nhở mọi người đeo khẩu trang.

“Mọi người chỉ đang cố gắng bảo vệ chính mình” - một người đàn ông đang đứng xếp hàng trước một hiệu thuốc nói.

Người dân bên trong Vũ Hán bận rộn mua sắm chuẩn bị Tết và cả mua thiết bị ngăn lây nhiễm virus corona. Ảnh: AP

Người dân bên trong Vũ Hán bận rộn mua sắm chuẩn bị tết và cả mua thiết bị ngăn lây nhiễm virus corona. Ảnh: AP

Từng hàng dài người đứng xếp hàng trước bệnh viện dã chiến Hội Chữ thập đỏ Vũ Hán chờ khám và xét nghiệm dịch. Nhiều người mang cả ghế từ nhà đi để ngồi trong khi chờ đến lượt.

Vũ Hán vừa được tăng cường hơn 100 bác sĩ quân y đối phó dịch. Cuối tuần trước, máy bay quân sự chở bác sĩ, chuyên gia đến Vũ Hán. Trong đó có nhiều chuyên gia có kinh nghiệm trong việc chống virus SARS, Ebola (một dạng sốt xuất huyết). Số bác sĩ, chuyên gia này được phân bổ đến các bệnh viện tích cực chữa trị bệnh nhân, tuy nhiên tình trạng khan người vẫn báo động.

“Phải mất ít nhất 5 tiếng đồng hồ mới gặp được bác sĩ” - một phụ nữ phàn nàn.

Một người đàn ông cho biết có người phải xếp hàng tới hai ngày mới được khám.

Cô Xiaoxi 36 tuổi cho biết cô bận rộn cả tuần rồi để đưa chồng đang có các triệu chứng giống nhiễm virus corona đi từ bệnh viện này sang bệnh viện khác mà chưa thể xét nghiệm được.

“Tôi không có gì cả. Không quần áo bảo hộ, chỉ có mỗi cái áo mưa và tôi đứng ngoài cửa bệnh viện, dưới trời mưa. Tôi tuyệt vọng, đã mất nhiều ngày. Tôi không biết liệu cả hai chúng tôi có sống được tới năm mới không” - cô Xiaoxi nói với báo Hoa Nam buổi sáng (SCMP).

Theo cô Xiaoxi, đêm giao thừa ở Vũ Hán giống như “ngày tận thế” khi cô và người chồng bị bệnh không biết phải đi đến đâu và làm gì để được xét nghiệm và điều trị.

Nhân viên y tế mang quần áo bảo hộ tại bệnh viện Hội chữ thập đỏ Vũ Hán. Ảnh: AFP

Nhân viên y tế mang quần áo bảo hộ tại bệnh viện Hội Chữ thập đỏ Vũ Hán. Ảnh: AFP

Nhà chức trách Vũ Hán đang có kế hoạch xây thêm một bệnh viện dã chiến thứ hai với 1.000 giường bệnh và dự kiến sẽ xong trong vòng một tuần, Tân Hoa xã đưa tin. Trước đó, Vũ Hán đã thông báo xây một bệnh viện dã chiến 1.000 giường bệnh để điều trị bệnh nhân nhiễm virus corona.

Tân Hoa xã cho biết hai bệnh viện dã chiến ở Vũ Hán được xây quy mô tương đương bệnh viện xây năm 2003 ở Bắc Kinh để điều trị bệnh nhân nhiễm virus SARS (hội chứng hô hấp cấp tính nặng). 650 người đã chết vì dịch SARS ở đại lục và Hong Kong.

. Công dân nước ngoài sẽ được sơ tán khỏi Vũ Hán trong vòng vài ngày tới.

. Các du khách người Hồ Bắc đến Hải Khẩu (tỉnh Hải Nam) bị chính quyền TP yêu cầu cách ly 14 ngày trong bệnh viện để theo dõi.

. Bắc Kinh tạm ngưng dịch vụ xe buýt đường dài đến và đi thủ đô. Ủy ban Sức khỏe Quốc gia chỉ đạo ngành y tế cả nước thực hiện các biện pháp phát hiện và cách ly người nhiễm virus corona trên máy bay, xe lửa, xe buýt khắp cả nước.

. Trung Quốc cấm mua bán động vật khắp toàn quốc: ở chợ, siêu thị, nhà hàng, trên các trang thương mại điện tử. Lệnh cấm kéo dài từ ngày 26-1 đến khi dịch bị loại trừ.

 
 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm