Số ca tử vong vì virus corona (virus gây viêm phổi cấp tính hay còn được biết đến với tên virus Vũ Hán) tại Trung Quốc tính đến tối 25-1 đã là 54 người, theo tin từ Hoàn cầu Nhật báo. Chỉ trong một ngày tại Trung Quốc có thêm 300 ca nhiễm mới, nâng số ca nhiễm tại Trung Quốc và cả toàn cầu lên tổng cộng hơn 1.700 ca.
Virus corona phát tán từ phòng thí nghiệm?
Virus corona được cho xuất phát từ một khu chợ hải sản ở TP Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc). Tuy nhiên theo thông tin từ báo Daily Mail (Anh) mới đây, có khả năng virus corona phát tán từ một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán.
Năm 2015, Trung Quốc cho xây Phòng thí nghiệm an toàn sinh học quốc gia ở Vũ Hán để nghiên cứu các nguồn bệnh nguy hiểm nhất thế giới, như SARS (hội chứng hô hấp cấp tính nặng) hay Ebola (một dạng sốt xuất huyết).
Đây là phòng thí nghiệm đầu tiên ở Trung Quốc được thiết kế đáp ứng tiêu chuẩn an toàn sinh học cấp độ 4 (BSL-4) – mức cao nhất, đồng nghĩa nó đủ khả năng xử lý các nguồn bệnh nguy hiểm nhất.
Các phòng thí nghiệm BSL-4 được thiết kế đặc biệt và được trang bị quần áo chuyên dụng có thể ngăn virus hay vi khuẩn không lan truyền trong không khí. Trên toàn cầu có khoảng 45 phòng thí nghiệm cao cấp này.
Các nhà khoa học làm việc tại phòng thí nghiệm cao cấp nghiên cứu virus ở Vũ Hán. Ảnh: DAILY MAIL
Phòng thí nghiệm BSL-4 ở Vũ Hán nhận chứng nhận tháng 1-2017. Và đây chỉ là 1 trong 5 hoặc 7 phòng thí nghiệm mà Trung Quốc có có kế hoạch xây ở Vũ Hán.
Tạp chí Nature đã từng phỏng vấn ông Yuan Zhimin - Giám đốc phòng thí nghiệm này và được ông Yuan xác nhận kế hoạch nghiên cứu virus SARS. Tháng 1-2018, phòng thí nghiệm bắt đầu khởi động “các thử nghiệm toàn cầu về các nguồn bệnh BSL-4”, theo tạp chí Biosafety and Health.
Năm 2017, thời điểm phòng thí nghiệm chuẩn bị khánh thành, các nhà khoa học sinh học Mỹ từng cảnh báo nguy cơ sẽ có một loại virus giống như SARS thoát khỏi phòng thí nghiệm này.
Thời điểm đó nhà khoa học sinh học Tim Trevan (người Mỹ) từng nói với tạp chí Nature rằng ông lo ngại phòng thí nghiệm trở nên không an toàn. Giờ thì virus corona giống virus SARS xuất hiện ở Vũ Hán.
Các nhà khoa học Mỹ từng cảnh báo 2 năm trước
Phòng thí nghiệm an toàn sinh học quốc gia Vũ Hán chỉ cách khu chợ hải sản nơi phát hiện dịch hơn 30km. Chi tiết này khiến người ta đặt câu hỏi về sự trùng khớp. Nhiều nhà khoa học cho rằng virus lan truyền từ động vật sang người qua tiếp xúc ở chợ, biến đổi và tiếp tục lây từ người sang người.
Phòng thí nghiệm chỉ cách khu chợ nơi phát hiện dịch ở Vũ Hán hơn 30km. Ảnh: DAILY MAIL
Nhiều nhà khoa học trong đó có nhà vi trùng học Richard Ebright tại đại học Rutger (Mỹ) cho rằng “thời điểm này thí không có lý do gì để không nghi ngờ rằng phòng thí nghiệm này có liên quan đến dịch, bên cạnh đó còn có trách nhiệm với trình tự gen để các bác sĩ chẩn đoán và khắc phục nó”.
Theo một bài báo của Nature thì virus SARS thực tế đã thoát nhiều lần từ một phòng thí nghiệm ở Bắc Kinh năm 2004. Sau sự cố này các quan chức Trung Quốc không chỉ cải tiến an toàn mà còn mở rộng năng lực nghiên cứu virus.
“Sau sự cố rò rỉ virus SARS từ phòng thí nghiệm năm 2004, Bộ Y tế Trung Quốc lúc đó phát động xây dựng nhiều phòng thí nghiệm cấp cao để nghiên cứu các virus như SARS, coronavirus, virus dịch cúm” – nhà báo Guizhen Wu viết trên Biosafety and Health.
Chưa rõ các phòng thí nghiệm này được xây ở đâu.
Một chi tiết đáng chú ý nữa, phòng thí nghiệm Vũ Hán cũng được trang bị để nghiên cứu động vật.
Các quy định trong nghiên cứu động vật - đặc biệt động vật có vú - ở Trung Quốc không chặt chẽ như ở Mỹ hay các nước phương Tây, đồng nghĩa với việc ít tốn kém hơn và ít rào cản hơn. Tuy nhiên điều này gây lo lắng cho các nhà khoa học, trong đó có ông Trevan.
Trang phục đặc biệt dành cho các nhà khoa học tại phòng thí nghiệm ở Vũ Hán. Ảnh: DAILY MAIL
Nghiên cứu hoạt động của virus corona để phát triển vaccine hay cách điều trị cần phải có sự tham gia của những con khỉ bị cho nhiễm virus này, một bước nghiên cứu quan trọng trước khi thử nghiệm trên người.
Điều các nhà khoa học trong đó có ông Ebright cảnh báo là khỉ không dễ kiểm soát.
“Chúng có thể chạy, có thể cào, có thể cắn” – nhà khoa học Ebright nói, đồng thời cảnh báo thêm virus có thể lây lan từ chân, móng, và răng khỉ.