Ngày 26-3, Bộ TN&MT đã tổ chức Hội nghị tổng kết bước đầu “Đề án tổng thể về điều tra cơ bản và quản lý tài nguyên, môi trường biển đến năm 2010, tầm nhìn đến 2020” (Đề án 47).
Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà phát biểu tại hội nghị.
Chủ trì hội nghị có Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà, Phó Trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo đề án 47; Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên, Ủy viên thường trực Ban chỉ đạo; Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam Tạ Đình Thi, Chánh văn phòng Ban chỉ đạo… Các bộ ngành khác là thành viên ban chỉ đạo chỉ cử đại diện đến dự.
Tại hội nghị, các đại biểu phát biểu thảo luận đã nhận định đề án có nhiều dự án riêng lẻ, không lồng ghép được với nhau dẫn đến lãng phí trong công tác điều tra tài nguyên, môi trường biển. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do đề án có liên quan đến nhiều bộ ngành, mỗi bộ ngành thực hiện một vài dự án, trong khi cơ chế phối hợp giữa các bộ ngành lại không chặt chẽ…
Về vấn đề này, Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam Tạ Đình Thi, Chánh văn phòng Ban chỉ đạo nói thời gian đầu xây dựng đề án 47 thì làm rất khí thế. "Nhưng lần này, khi tổng hợp các đề xuất của các ngành, địa phương đối với các chương trình trọng điểm thì chúng tôi thấy các bộ ngành chưa mặn mà, quyết tâm nhiều…”.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên, Uỷ viên thường trực Ban chỉ đạo, cho hay đất nước còn nghèo nhưng những năm qua cũng đã dành nguồn lực hơn cho công tác điều tra tài nguyên, môi trường biển. Điều này cho thấy công tác điều tra tài nguyên, môi trường biển luôn được Nhà nước coi trọng, là một trong những nhân tố để thực hiện Nghị quyết 36 của Trung ương về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045.
Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên phát biểu tại hội nghị.
“Có một điều rất buồn, tôi đã chỉ đạo anh em gửi giấy mời cách đây một tuần. Tối hôm qua tôi còn gọi điện mời. Nhưng báo cáo các đồng chí đến hôm nay khai mạc hội nghị, trong ban chỉ đạo chỉ có Bộ trưởng, tôi, anh Thi, không có một đồng chí thành viên ban chỉ đạo nào. Sự quan tâm triển khai các công việc như thế này, chắc chắn chỉ trong hai năm nữa chúng ta sẽ thấy có lỗi với trung ương, có lỗi với nhân dân vì mục tiêu đưa ra như thế nhưng không đạt” – ông Kiên nói.
Thứ trưởng Bộ TN&MT cũng nhấn mạnh hiện nay vấn đề quản lý, khai thác bảo vệ biển đang cực kỳ nóng bỏng, liên quan đến sự sinh tồn của quốc gia. Theo đó, ông kêu gọi sự “đồng lòng, hợp tác chặt chẽ, vì cái chung” của các ban ngành, địa phương trong thực hiện đề án. Đồng thời yêu cầu cơ quan thường trực ban chỉ đạo – Tổng cục biển và hải đạo làm đầu mối xử lý những khó khăn, kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt quá thẩm quyền để Thủ tướng quyết định.
Theo ông Tạ Đình Thi, Tổng cục trưởng Tổng cục biển và Hải đảo (Bộ TN&MT) kiêm Chánh văn phòng Ban chỉ đạo đề án 47, sau hơn 10 năm triển khai, đề án đã hoàn thành 22/45 dự án nghiệm thu cấp nhà nước, 17/45 dự án được phê duyệt và đang triển khai; 3/45 dự án đã phê duyệt nhưng chưa được bố trí kinh phí; 3/45 dự án dừng chưa triển khai. Các dự án đã và đang tổ chức thực hiện với nguồn kinh phí được phê duyệt khoảng 7.207 tỷ đồng, kinh phí đã được giao thực hiện khoảng 3.612 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí cần bổ sung từ: nguồn sự nghiệp kinh tế là: 1.658 tỷ đồng; đầu tư phát triển là 1.675 tỷ đồng; địa phương là: 261 tỷ đồng. |