Hãng Reuters đưa tin ngày 6-12 (giờ Mỹ), Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố chính quyền ông sẽ bắt đầu quá trình dời đại sứ quán Mỹ ở TP Tel Aviv tới Jerusalem sau khi công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel.
Quyết định “lịch sử”
“Tôi xác định đã đến lúc chính thức công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel. Các đời tổng thống trước đã hứa hẹn trong chiến dịch tranh cử của mình nhưng rồi họ không thực hiện. Hôm nay, tôi sẽ biến điều đó thành hiện thực” - ông Trump tuyên bố trong bài phát biểu tại Nhà Trắng ngày 6-12.
Jerusalem, đặc biệt vùng Đông Jerusalem, là nơi quy tụ của nhiều địa điểm linh thiêng của ba tôn giáo là Do Thái giáo, Hồi giáo và Cơ đốc giáo. Vấn đề Jerusalem là một trong những rào cản lớn nhất đối với việc đạt được một thỏa thuận hòa bình giữa Israel và Palestine.
Tổng thống Mỹ Donald Trump ký một sắc lệnh hành pháp ở Nhà Trắng ngày 6-12 sau khi ông tuyên bố công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel. Ảnh: REUTERS
Israel xem Jerusalem chính là thủ đô không thể tách rời của nước này. Trong khi đó, người Palestine tuyên bố Đông Jerusalem sẽ là thủ đô của một nhà nước Palestine tương lai. Nếu như Israel nhận được sự hậu thuẫn của Mỹ thì Palestine lại nhận được sự ủng hộ của thế giới Ả Rập và Hồi giáo.
Ngay sau tuyên bố của ông Trump, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã hoan nghênh động thái này là một “bước ngoặt lịch sử”. Trong khi đó, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas nói rằng Mỹ đã từ bỏ vai trò làm trung gian hòa giải với quyết định này. Các đồng minh phương Tây của Washington như Anh và Pháp cũng chỉ trích động thái này.
Tổng thư ký Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) Saeb Erekat nói: “Ông Trump đã phá hủy bất cứ khả năng nào cho việc xúc tiến một giải pháp hai nhà nước. Đêm nay ông ấy đã gây ra sai lầm lớn nhất đời mình”.
Vi phạm luật pháp quốc tế?
Cộng đồng quốc tế không công nhận chủ quyền của Israel trên toàn thành phố Jerusalem. Họ cho rằng vấn đề chủ quyền đối với Jerusalem cần được giải quyết thông qua các cuộc đàm phán.
Kể từ khi Israel được thành lập năm 1948, Mỹ luôn đặt đại sứ quán ở Tel Aviv. Mỹ đặt đại sứ quán tại Israel trên đường HaYarkon, Tel Aviv từ cuối những năm 1960. 86 quốc gia có quan hệ với Israel cũng đều đặt đại sứ quán tại Tel Aviv chứ không phải Jerusalem đầy tranh cãi.
Cờ Israel được nhìn thấy gần thánh đường Hồi giáo Dome of the Rock tại TP Jerusalem ngày 6-12. Ảnh: REUTERS
Nhà lãnh đạo Mỹ nói rằng ông không đưa ra lập trường về “hiện trạng cuối cùng, bao gồm các ranh giới cụ thể liên quan tới chủ quyền của Israel ở Jerusalem hay việc giải quyết các khu vực biên giới tranh chấp”. Ông Trump nói rằng Mỹ vẫn còn ủng hộ giải pháp hai nhà nước nếu hai bên đồng ý.
Giải pháp này về cơ bản sẽ tạo ra một nhà nước Palestine độc lập nằm sát biên giới Israel. Theo các thỏa thuận giữa Israel và Palestine vào năm 1993, hiện trạng cuối cùng của Jerusalem sẽ được thảo luận trong giai đoạn cuối của các cuộc thảo luận hòa bình.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói rằng quyết định của ông Trump thật sự “đáng tiếc”, đồng thời nhấn mạnh chính sách mới của Mỹ đã “vi phạm luật pháp quốc tế”.
Châm lửa “thùng thuốc nổ” Trung Đông
Quyết định ngày 6-12 của ông Trump cũng thổi bùng nguy cơ khiến tình hình tại Trung Đông thêm hỗn loạn khi mà khu vực này vốn bất ổn với các điểm nóng Syria, Iraq và Yemen.
Người biểu tình đốt cờ Israel và cờ Mỹ ở TP Gaza ngày 6-12 để phản đối quyết định của ông Trump. Ảnh: REUTERS
Sau tuyên bố của ông Trump, hàng loạt cuộc biểu tình đã nổ ra không chỉ tại Palestine mà còn ở các quốc gia lân cận. Người Palestine tại Jordan đã đổ ra đường phố thủ đô Amman biểu tình trong khi hàng trăm người tụ tập trước lãnh sự quán Mỹ ở TP Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) để phản đối quyết định, theo Reuters.
Trung Quốc và Nga bày tỏ lo ngại động thái này có thể làm trầm trọng thêm tình trạng thù địch ở Trung Đông. Người phát ngôn cho Thủ tướng Anh Theresa May nói rằng quyết định của ông Trump “không giúp ích gì cho viễn cảnh hòa bình trong khu vực”.
Cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton, George W. Bush và Barack Obama từng có lời hứa tương tự ông Trump nhưng không thực hiện sau khi nhậm chức. Khi tranh cử Tổng thống cách đây 25 năm, ông Bill Clinton từng hứa sẽ “ủng hộ Jerusalem là thủ đô của Israel”. Trong khi đó, ông Obama hồi năm 2008 từng nói rằng “chúng ta nên chuyển đại sứ quán của chúng ta tới Jerusalem”.
Reuters cho biết theo yêu cầu của tám nước thành viên Pháp, Bolivia, Ai Cập, Italy, Senegal, Thụy Điển, Anh và Uruguay, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc tới ngày 8-12 sẽ triệu tập phiên họp để thảo luận về quyết định của ông Trump.