Đó là nhận định của Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Metluv Cavusoglu liên quan tới thông tin Tổng thống Mỹ Donald Trump sắp chuyển đại sứ quán Mỹ tại TP Tel Aviv của Israel tới Jerusalem. Những ngày qua, “thùng thuốc nổ” Trung Đông đang nóng dần lên sau khi các quan chức Mỹ cho biết ông Trump trong tuần này sẽ công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, đồng thời chỉ đạo Bộ Ngoại giao Mỹ bắt đầu dời đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv tới Jerusalem. Nhà lãnh đạo Palestine Mahmoud Abbas cảnh báo việc thay đổi nguyên trạng Jerusalem sẽ đánh dấu chấm hết cho các nỗ lực hòa bình nhiều năm qua, gây “hậu quả nguy hiểm” cho an ninh cũng như sự ổn định của khu vực và thế giới.
Jerusalem chính là trọng tâm của xung đột dai dẳng giữa Israel và Palestine hơn nửa thế kỷ. Nếu như Israel nhận được sự hậu thuẫn của Mỹ thì Palestine lại nhận được sự ủng hộ của thế giới Ả Rập và Hồi giáo. Jerusalem, đặc biệt vùng Đông Jerusalem, là nơi quy tụ của nhiều địa điểm linh thiêng của ba tôn giáo là Do Thái giáo, Hồi giáo và Cơ đốc giáo. Israel xem Jerusalem chính là thủ đô không thể tách rời của nước này. Trong khi đó, người Palestine tuyên bố Đông Jerusalem sẽ là thủ đô của một nhà nước Palestine tương lai.
Kể từ khi Israel được thành lập năm 1948, Mỹ luôn đặt đại sứ quán ở Tel Aviv. 86 quốc gia có quan hệ với Israel cũng đều đặt đại sứ quán tại Tel Aviv chứ không phải Jerusalem đầy tranh cãi. Việc Mỹ công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel sẽ là “nụ hôn thần chết” đối với giải pháp hai nhà nước Israel, Palestine. Hàng loạt quốc gia từ châu Âu đến thế giới Ả Rập đã cảnh báo ông Trump không xúc tiến ý định này. Giáo hoàng Francis ngày 6-12 cũng đã nêu “quan ngại sâu sắc” và yêu cầu tôn trọng nguyên trạng của Jerusalem.
Còn theo trưởng đại diện Palestine tại Anh Manuel Hassassian, ông Trump dường như đang tuyên chiến với 1,5 tỉ người Hồi giáo và hàng trăm triệu người Cơ đốc giáo, những người không muốn chấp nhận các khu vực linh thiêng nằm hoàn toàn dưới sự kiểm soát của Israel. Quyết định của ông Trump đã khiến nhà lãnh đạo các quốc gia Ả Rập bất ngờ. Nó cũng làm dấy lên một tương lai bất định về vai trò của Mỹ và các nỗ lực trong tương lai của nước này dẫn dắt một tiến trình hòa bình cho Trung Đông với vai trò trung gian hòa giải.