Ngày 2-9, truyền thông thế giới xôn xao thông tin Tổng thống Uzbekistan Islam Karimov đã qua đời.
Báo USA Today (Mỹ) thông báo từ Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc họp nội các ngày 2-9 rằng Tổng thống Karimov đã chết.
Trong khi đó hãng tin AP (Mỹ) dẫn một nguồn tin ngoại giao cấp cao Kyrgyzstan và một quan chức chính phủ Afghanistan cho biết Uzbekistan sẽ tổ chức lễ tang cho Tổng thống Karimov vào ngày mai 3-9.
Theo hai nguồn tin này, Thủ tướng Kyrgyzstan Sooronbay Jeenbekov và Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani sẽ tham gia lễ tang của Tổng thống Karimov.
Chính phủ Uzbekistan vẫn chưa chính thức thông báo Tổng thống Karimov đã chết, mà chỉ thông tin Tổng thống Karimov đang bệnh nặng, tình hình cực kỳ nguy kịch. “Thưa đồng bào, với trái tim nặng trĩu chúng tôi thông báo đến mọi người rằng sức khỏe của Tổng thống chúng ta đã yếu đi rất nhiều trong 24 giờ qua và đang trong tình trạng nguy kịch.”, hãng tin RIA của Nga đưa lại thông báo này.
Tổng thống Uzbekistan Islam Karimov trong buổi đón Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tại sân bay Samarkand tháng 11-2015. Ảnh: AFP
Tổng thống Karimov 78 tuổi, đã không xuất hiện công khai từ giữa tháng 8. Tuy nhiên đến cuối tuần rồi thì chính phủ Uzbekistan mới thông báo Tổng thống Karimov bệnh nặng.
Ngày 1-9 là ngày Độc lập của Uzbekistan. Phát thanh viên truyền hình nhà nước đại diện ông Karimov đã đọc bài phát biểu chào mừng.
Trên mạng xã hội, con gái út Tổng thống Karimov là cô Lola Karimova-Tillyaeva cho biết cha mình nhập viện từ ngày 21-8, đang được cấp cứu vì bị xuất huyết não.
Tổng thống Karimov lớn lên trong viện cô nhi, cầm quyền Uzbekistan từ năm 1989, ông nhiều lần bị cáo buộc vi phạm nhân quyền vì đàn áp phe đối lập.
Người kế nhiệm Tổng thống Karimov là một vấn đề được truyền thông quan tâm. USA Today nhận định Thủ tướng Shavkat Mirziyoyev 58 tuổi có khả năng là người kế nhiệm. Một người có khả năng kế nhiệm nữa là con gái lớn của Tổng thống Karimov, bà Gulnara 44 tuổi. Bà Gulnara đang bị quản thúc tại gia từ năm 2014 vì cáo buộc cha mình là một nhà độc tài.
Theo báo New York Times (Mỹ), nhiều khả năng Uzbekistan phải đối mặt với cuộc xung đột lâu dài giữa các phe nhóm để giành quyền lãnh đạo nước này. Và tình hình rối ren có thể là một cơ hội để các phần tử Hồi giáo cực đoan khai thác khi Trung Á là khu vực khá đông người Hồi giáo và là một khu vực màu mỡ để tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tìm đến tuyển quân. Ngày 30-8 tại thủ đô Bishkek của nước láng giềng Kyrgyzstan đã xảy ra một vụ đánh bom tự sát tại đại sứ quán Trung Quốc.
Uzbekistan có dân số 31 triệu dân, rất giàu tài nguyên dầu khí. Tuy nhiên, theo số liệu từ Liên hiệp quốc, nơi đây tỷ lệ thất nghiệp rất cao, khoảng 16% dân số sống dưới mức nghèo đói với chỉ 1,25USD/ngày.