TP.HCM cần hành động để người dân, doanh nghiệp hài lòng

(PLO)- TP.HCM không chỉ cải thiện các chỉ số đánh giá mà còn cải thiện sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Hội nghị công bố chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban ngành và địa phương (DDCI) TP.HCM năm 2022 và triển khai các giải pháp nâng cao chỉ số cải cách hành chính (CCHC), năng lực cạnh tranh năm 2023 được UBND TP.HCM tổ chức vào hôm qua (11-5).

Mệnh lệnh hành động của TP.HCM

Tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi khẳng định thúc đẩy CCHC, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh là nhiệm vụ quan trọng và là mệnh lệnh hành động của TP trong giai đoạn hiện tại.

“Không chỉ cải thiện các chỉ số đánh giá mà còn cải thiện sự hài lòng của người dân và cộng đồng doanh nghiệp. Tôi mong lãnh đạo các đơn vị hết sức lưu tâm và có hành động cụ thể để thực sự tạo chuyển biến trên thực tế. Chúng ta không thể đứng nói đầy quyết tâm nhưng cuối năm kết quả ngược lại” - ông Mãi nhấn mạnh.

Quận Phú Nhuận đứng đầu chỉ số DDCI khối địa phương năm 2022. Trong ảnh: Người dân làm thủ tục hành chính tại UBND quận Phú Nhuận. Ảnh: VÕ THƠ

Quận Phú Nhuận đứng đầu chỉ số DDCI khối địa phương năm 2022. Trong ảnh: Người dân làm thủ tục hành chính tại UBND quận Phú Nhuận. Ảnh: VÕ THƠ

Ông cho biết năm 2022, chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) và chỉ số CCHC (PAR INDEX) đã có cải thiện nhưng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) giảm. Điều này cho thấy TP có nỗ lực nhưng hiệu quả chưa cao, chưa đạt như mong muốn.

Việc triển khai DDCI năm 2022 đã thể hiện sự quyết tâm, nỗ lực của TP trong CCHC, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh. Bên cạnh mặt tích cực đó, Chủ tịch TP phê bình Sở Y tế, Sở GD&ĐT, Sở Du lịch vì chưa tham gia nghiêm túc việc đánh giá DDCI.

Để cải thiện đánh giá DDCI hằng năm, ông Phan Văn Mãi giao Sở KH&ĐT gửi đề xuất kế hoạch triển khai trong tháng 6 và yêu cầu các sở, ngành địa phương phối hợp đồng bộ để xây dựng bộ tiêu chí, quy trình đánh giá hoàn thiện.

Ông cũng đề nghị các đơn vị khẩn trương xây dựng và triển khai kế hoạch cụ thể nhằm cải thiện các chỉ số PAPI, PAR INDEX và DDCI. Trong đó, phải làm tốt công tác thông tin, hoàn thiện và công bố quy trình, các hướng dẫn giải quyết thủ tục hành chính; tăng cường đối thoại chính quyền với doanh nghiệp; tập trung đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số...

Lắng nghe doanh nghiệp, người dân hiến kế

Ông Trần Ngọc Liêm, Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Chi nhánh TP.HCM, cho rằng việc đánh giá DDCI giúp các địa phương, sở, ngành xác định được các hạn chế mà người dân, doanh nghiệp chưa hài lòng. Từ đó, đề ra giải pháp đúng đắn trong việc CCHC.

Để cải thiện, nâng cao các chỉ số đánh giá, Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM Huỳnh Thanh Nhân cho biết TP.HCM đã đề ra 12 giải pháp. Trong đó, yêu cầu các địa phương, sở, ngành khẩn trương rà soát, chủ động sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế và giảm đơn vị sự nghiệp; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; đơn giản hóa thủ tục hành chính, số hóa dữ liệu; có kế hoạch, lộ trình cụ thể xử lý hồ sơ tồn đọng, trễ hạn.

Bên cạnh đó, nâng cao hiệu quả công tác phối hợp với các sở, ban ngành, địa phương; thường xuyên tổ chức tiếp xúc, đối thoại giữa chính quyền với người dân, doanh nghiệp; thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về quản lý, sử dụng ngân sách, tài sản công.

Ông Nhân nhấn mạnh cần có cơ chế khuyến khích người dân, doanh nghiệp chủ động hiến kế giải pháp CCHC. “Chúng ta có thể phát động phong trào thi đua, tìm kiếm các mô hình, giải pháp đột phá, sáng tạo, hiệu quả trong công tác CCHC nói chung và cải cách thủ tục hành chính nói riêng” - ông Nhân đề xuất.

Về giải pháp cải thiện chỉ số PCI của TP, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT TP Đào Minh Chánh kiến nghị tiếp tục duy trì đánh giá DDCI đều đặn hằng năm. Việc này sẽ giúp TP có cơ sở dữ liệu đầy đủ hơn, từ đó có thể quan sát sự thay đổi và cải thiện của các chỉ số, chỉ tiêu cụ thể.

Ông Chánh cũng đề xuất chính quyền các cấp cần thường xuyên tiếp xúc, đối thoại với doanh nghiệp. Đồng thời, lắng nghe và tìm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong các nhóm ngành nghề và tại các địa bàn cụ thể.

Công bố kết quả chỉ số năng lực cạnh tranh năm 2022

Tại hội nghị, TP.HCM đã công bố bảng xếp hạng chỉ số DDCI của khối sở, ban ngành và khối địa phương năm 2022.

Với khối sở, ban ngành, Sở KH&CN đứng đầu với 84,20 điểm. Kế đến lần lượt là Ban quản lý các khu chế xuất và công nghiệp, Sở Công Thương, Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Tư pháp, Sở NN&PTNT, Ban quản lý An toàn thực phẩm, Sở KH&ĐT, Sở TT&TT, Ban quản lý Khu công nghệ cao, Sở Y tế, Sở Tài chính, Sở Xây dựng, Sở GD&ĐT, Sở GTVT, Sở TN&MT. Đứng cuối bảng xếp hạng là Sở LĐ-TB&XH với 51,75 điểm.

Với khối địa phương, quận Phú Nhuận đứng đầu với 78,56 điểm. Tiếp theo lần lượt là quận 11, quận 10, quận Tân Phú, quận 3, quận 4, quận 6, quận Tân Bình, quận 5, huyện Cần Giờ, quận Bình Thạnh, quận Gò Vấp, huyện Nhà Bè, quận Bình Tân, quận 7, quận 12, huyện Hóc Môn, quận 8, huyện Củ Chi, huyện Bình Chánh. Đứng cuối bảng xếp hạng là TP Thủ Đức với 49,69 điểm, là địa phương duy nhất của TP có điểm số đánh giá dưới 50 trên thang điểm 100.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm