Đây là một trong những nội dung UBND TP báo cáo với đoàn giám sát HĐND TP.HCM về việc chấp hành pháp luật trong quản lý đầu tư đối với các dự án trọng điểm.
Tại cuộc họp ngày 3-7, đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết hiện TP đang quản lý 22 hợp đồng dự án đã ký kết với tổng mức đầu tư là hơn 64.244 tỉ đồng.
Có 166 dự án đang thực hiện các thủ tục đầu tư theo hình thức PPP với tổng mức đầu tư dự kiến là 324.770 tỉ đồng; đang kêu gọi đầu tư gần 293 dự án theo hình thức PPP trên tất cả các lĩnh vực giao thông, môi trường, y tế, văn hóa, giáo dục... với tổng mức đầu tư dự kiến là 910.426 tỉ đồng.
Trong cuộc họp, Đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư báo cáo UBND TP chỉ đạo điều hành, giao ban định kỳ để đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm. Ảnh: ĐT.
Đối với các dự án trọng điểm, UBND TP tập trung chỉ đạo điều hành, họp giao ban định kỳ 2 tuần/lần để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải quyết các khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Đối với công tác lập và công bố danh mục kêu gọi đầu tư từ năm 2014 đến nay, sau khi đề xuất dự án được phê duyệt, Sở KH&ĐT tham mưu TP đăng tải trên hệ thống đấu thầu quốc gia.
Đến nay, TP đã lập danh mục 253 dự án mời gọi đầu tư (trong đó, có 130 dự án đầu tư theo hình thức PPP) với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 863.828 tỉ đồng.
Các dự án trọng điểm có mức đầu tư lớn là xây dựng các tuyến metro, tuyến đường trên cao thuộc chương trình giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông với tổng mức đầu tư khoảng 457.579 tỉ đồng, chiếm 33 %....
Một nội dung quan trọng khác được đề cập là khi Luật PPP có hiệu lực thi hành, TP có thể sẽ gặp khó khăn trong việc kêu gọi đầu tư các dự án. Đặc biệt là các dự án không có nguồn thu từ hoạt động cung cấp dịch vụ công hoặc khó khả thi về mặt tài chính như chống ngập, đê kè, công viên, nghĩa trang... do Luật PPP không còn quy định về đầu tư theo hình thức Hợp đồng BT.
Luật PPP cũng quy định tổng mức đầu tư phải tối thiểu là 200 tỉ đồng và hạn chế nhiều lĩnh vực nên TP sẽ ít có dự án PPP và sẽ khó phân cấp được cho các quận huyện thực hiện kêu gọi đầu tư.
Đại diện Sở KH&ĐT đánh giá về công tác đầu tư theo hình thức PPP của TP trong thời gian qua đã có nhiều giải pháp để thu hút đầu tư. Từ đó, các dự án đầu tư theo phương thức BOT, BTO và BT, đặc biệt là đối với các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng quan trọng, Chính phủ, các Bộ ngành và UBND TP đã nỗ lực, thực hiện các giải pháp, cơ chế đặc thù. Từ đó, các đơn vị kịp thời tháo gỡ khó khăn về thủ tục đầu tư, công tác đến bù giải phóng mặt bằng.
TP đánh giá khung pháp lý các văn bản điều chỉnh trong lĩnh vực đầu tư PPP ngày càng tiệm cận, phù hợp hơn với các thông lệ quốc tế, tạo được sự cạnh tranh, minh bạch và hài hòa lợi ích giữa các bên.
Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là các quy định vẫn còn chưa nhất quán, văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến đầu tư theo hình thức PPP rất nhiều. Đặc biệt, thời gian để hoàn thành các thủ tục đầu tư một dự án PPP thông thường kéo quá dài, mất ít nhất hai năm và phải qua năm bước nên cũng ảnh hưởng ít nhiều đến việc thu hút đầu tư. UBND TP cho biết đã có sự chuẩn bị cho những khó khăn này.