TP.HCM đề xuất 4 nội dung phát triển du lịch vùng

(PLO)- Lãnh đạo các địa phương thẳng thắn nêu ra những khó khăn, thách thức và đề xuất các nhiệm vụ trọng tâm để liên kết phát triển du lịch giữa 14 tỉnh, thành trong năm 2023.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 16-12, tại TP Long Xuyên (An Giang), UBND TP.HCM cùng 13 tỉnh, thành khu vực ĐBSCL tổ chức hội nghị tổng kết chương trình hợp tác phát triển du lịch. Tại hội nghị, các địa phương đã chỉ ra những thuận lợi, khó khăn sau chín tháng thực hiện chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch và đưa ra các phương án tháo gỡ.

Nhiều kết quả tích cực

Tại hội nghị, ông Trần Lê Bảo Châu, Chủ tịch Diễn đàn Các doanh nghiệp (DN) lữ hành vừa và nhỏ ở TP.HCM, cho biết: “Chương trình liên kết du lịch giữa TP.HCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL đã mở ra những cánh cổng mới cho ngành du lịch. Trước đây, các công ty du lịch thường tự tìm hiểu, tự túc tìm ra những sản phẩm tour để phục vụ du khách nhưng giờ đã khác, các DN đã có những hy vọng và kỳ vọng mới. Những chương trình như thế này cần được nhân ra rộng rãi hơn”.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Thị Thắng trò chuyện cùng các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: HOÀNG HIẾU

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Thị Thắng trò chuyện cùng các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: HOÀNG HIẾU

Đại diện báo cáo tóm tắt chương trình liên kết khu vực cụm phía tây ĐBSCL, ông Nguyễn Thực Hiện, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho biết: Trên cơ sở kế hoạch chung, mỗi địa phương lồng ghép các hoạt động vào các chương trình, kế hoạch của đơn vị để triển khai thực hiện và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. “Năm 2022, cụm phía tây ĐBSCL đón khoảng 29 triệu lượt khách tham quan du lịch, trong đó khách quốc tế khoảng 350.000 lượt. Doanh thu từ du lịch đạt khoảng 28.000 tỉ đồng” - ông Hiện thông tin.

Tuy nhiên, theo ông Hiện, còn một số hạn chế cần khắc phục như công tác quy hoạch, đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng chưa cao. Việc phát triển sản phẩm đặc thù, kết nối các tuyến điểm du lịch chưa chặt chẽ khi mỗi địa phương thực hiện theo điều kiện riêng. Bên cạnh đó, công tác ứng dụng chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành phát triển du lịch còn hạn chế.

Bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, cho biết: Hợp tác phát triển du lịch giữa 14 tỉnh, thành là chương trình liên kết vùng đầu tiên được triển khai, từ đó tạo hiệu ứng lan tỏa đến các vùng liên kết khác trên cả nước.

“Công tác phối hợp triển khai các nội dung hợp tác luôn thuận lợi, nhiều nội dung cụ thể trong thỏa thuận hợp tác đa phương đã được phối hợp thực hiện. Từ đó góp phần thúc đẩy du lịch vùng chuyển biến tích cực, thu hút sự tham gia hưởng ứng tích cực của cộng đồng DN, hiệp hội du lịch và người dân của 14 địa phương” - bà Hiếu cho biết.

Hợp tác phát triển du lịch giữa 14 tỉnh, thành là chương trình liên kết vùng đầu tiên được triển khai, tạo hiệu ứng lan tỏa đến các vùng khác trên cả nước.

Nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2023

Qua chín tháng liên kết phát triển du lịch giữa 14 tỉnh, thành, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Thị Thắng nêu ra các thách thức. Thứ nhất, lượng khách quốc tế đến Việt Nam nói chung chưa cao so với các nước trong khu vực. Thứ hai, sản phẩm du lịch và các chương trình kích cầu du lịch của Việt Nam nói chung và cụm ĐBSCL nói riêng chưa mới, chưa thật sự hấp dẫn.

Thứ ba, các chính sách hỗ trợ DN khôi phục hoạt động chưa thật sự hiệu quả. Thứ tư, các chương trình quảng bá, xúc tiến của cơ quan quản lý nhà nước sau đại dịch COVID-19 tại các thị trường còn ít, dẫn đến thông tin chính thức về chính sách mở cửa du lịch của Việt Nam đến khách quốc tế chưa đầy đủ.

Để khắc phục các điểm yếu trên, trong năm 2023, TP.HCM đề xuất 14 tỉnh, thành thực hiện bốn nội dung trọng tâm.

Thứ nhất, tăng cường xây dựng các sản phẩm liên tuyến giữa 14 tỉnh, thành. Các sản phẩm liên tuyến cần phải mới hơn, đặc sắc hơn, hấp dẫn hơn. Cần tăng cường các hoạt động giới thiệu sản phẩm, dịch vụ mới giữa các tỉnh, thành.

Thứ hai, tăng cường công tác quảng bá thương hiệu du lịch vùng đến các thị trường trong nước để “hút” dòng khách từ các tỉnh, thành khác đến trải nghiệm các chương trình du lịch liên kết vùng.

Thứ ba, phối hợp tổ chức các hoạt động về xúc tiến mời gọi đầu tư du lịch. Song song đó, tăng cường các hoạt động kết nối giao thương giữa DN du lịch, DN cung ứng dịch vụ của 14 tỉnh, thành trong liên kết.

Cuối cùng, tăng cường công tác phối hợp trên lĩnh vực quản lý nhà nước để cùng nghiên cứu xây dựng các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển du lịch chung của vùng. Đồng thời đề xuất với Chính phủ, các bộ, ngành điều chỉnh cơ chế, chính sách phát triển du lịch chung cho phù hợp với tình hình thực tiễn và xu hướng phát triển chung của du lịch.•

Chủ động từ rất sớm cho khôi phục du lịch

Bà Phan Thị Thắng, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết: Ngày 18-3-2022, tại Bạc Liêu, TP.HCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL đã tổ chức hội nghị triển khai chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch.

Có thể nói chúng ta đã chủ động từ rất sớm cho việc khôi phục hoạt động du lịch của thị trường lớn nhất nước là TP.HCM và ĐBSCL. Sau chín tháng phục hồi hoàn toàn hoạt động du lịch, Việt Nam đã có gần 100 triệu khách du lịch nội địa, cao hơn số khách cả năm 2019. Trong đó, TP.HCM và ĐBSCL đón khoảng 45 triệu lượt khách du lịch nội địa, chiếm khoảng 46% khách du lịch nội địa của cả nước.

Thực tế đó chứng minh bên cạnh sự nỗ lực của ngành du lịch từng địa phương, liên kết giữa TP.HCM và 13 tỉnh, thành đã đi vào thực tiễn, mang lại hiệu quả thực tế, góp phần phục hồi hoạt động du lịch và tăng trưởng kinh tế sau dịch. Đó cũng là động lực để 14 tỉnh, thành tiếp tục triển khai mạnh mẽ các hoạt động liên kết trong thời gian sắp tới.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm