TP.HCM gỡ rào cản để xây nhà giá rẻ

“Chính quyền TP và doanh nghiệp (DN) cần tập trung liên kết để tạo ra sản phẩm nhà ở với giá hợp lý, phù hợp với khả năng của người thu nhập thấp” - Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng nói như trên tại hội thảo “Xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá rẻ tại TP.HCM” do Hiệp hội Bất động sản TP.HCM tổ chức ngày 27-2.

Doanh nghiệp đề xuất giá 400-600 triệu đồng/căn

Về mô hình nhà ở xã hội 100 triệu đồng ở Bình Dương, ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty Lê Thành, khẳng định tại TP.HCM rất khó kéo giảm giá thành xây dựng nhà ở xã hội xuống 5 triệu đồng/m2. Ông Nghĩa phân tích khi xây dựng xong thì chỉ được kinh doanh 75%, phần còn lại để làm chỗ giữ xe và các công trình công cộng khác. “Đó là chưa kể DN làm nhà ở xã hội chỉ được tính lợi nhuận 10% nên nếu tính hết thì cũng chỉ có thể làm được với giá 180 triệu đồng/căn” - ông Nghĩa nói.

Tuy nhiên, giám đốc Công ty Lê Thành cũng cho rằng những căn hộ 20 m2 này chỉ nên cho thuê, không nên bán vì rất dễ tạo thành những khu ổ chuột sau này. Theo ông Nghĩa, vài chục năm sau, cuộc sống khá giả hơn thì người dân sẽ có nhu cầu chuyển sang nhà có diện tích lớn. Do chỉ là căn hộ cho thuê nên khi những căn hộ này xuống cấp, TP dễ dàng thu hồi để đầu tư xây dựng lại mà không phải bồi thường. DN này đề xuất TP chỉ nên đầu tư để bán những căn hộ có diện tích từ 35 m2 đến 50 m2. Những căn hộ này cũng không nên xây năm tầng sẽ gây lãng phí quỹ đất. Thay vào đó, nên xây 11-12 tầng, giá bán ra khoảng 400-600 triệu đồng/căn.

Ông Lê Mạnh Hùng, Tổng Giám đốc Công ty Phú Quang liên doanh Tiến Phát, cũng cho rằng TP không nên bán căn hộ 100 triệu đồng vì hiện nay quỹ đất TP không còn nhiều. Về giá thành cho việc đầu tư căn hộ có diện tích 35-50 m2 là khoảng 350 triệu đồng, không thể rẻ hơn.

Giám đốc Sở Xây dựng TP Trần Trọng Tuấn thông tin hiện nay nhiều DN đề xuất mức giá từ 350-750 triệu đến dưới 1 tỉ đồng/căn. Với giá này thì mức trả góp khoảng 3,7 triệu đồng/tháng. “Tới đây, Sở Xây dựng sẽ cùng với các DN tìm cách triển khai phù hợp để giảm giá thành một cách hợp lý nhất” - ông Tuấn nói.

Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng cho rằng nhà ở xã hội tại TP.HCM có diện tích 40-60 m2 là hợp lý. Đồng thời phải được hưởng hạ tầng chung như nhà ở thương mại với đầy đủ các tiện ích như nhà trẻ, mẫu giáo, công viên, cây xanh. Cùng với đó là phải có nhiều hình thức để người dân lựa chọn như mua, thuê, thuê mua…

Ngoài ra, TP cũng cần phải đẩy mạnh các nguồn lực, tạo cơ chế chính sách để thúc đẩy người dân xây dựng nhà trọ theo tiêu chuẩn chứ không phải là những khu nhà trọ ổ chuột. Đồng thời, phải xem nhà ở xã hội cũng chính là thị trường để thúc đẩy sự phát triển và kích thích người dân làm giàu (để chuyển từ căn hộ nhỏ sang căn hộ lớn) chứ không phải chỉ là “ngã rẽ” tạm thời của thị trường bất động sản.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng đi tìm hiểu về xây nhà ở xã hội 100 triệu đồng ở tỉnh Bình Dương. Ảnh: VIỆT HOA

Cần gỡ rào cản thủ tục

Theo ông Lê Hữu Nghĩa, một trong những tồn tại lớn khiến cho việc đầu tư nhà ở xã hội là thủ tục hành chính quá chậm đã làm ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ triển khai dự án. Ông Nghĩa cho biết Công ty Lê Thành đang xin chuyển một dự án tại quận Bình Tân từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội nhưng đã hơn một năm rồi mà chưa xong thủ tục, dù pháp lý về đất đai của dự án đã hoàn chỉnh. “Chỉ riêng bước chấp thuận đầu tư, chúng tôi đã nộp lên Sở Xây dựng, Sở đã trình lên TP nhưng 27 tháng nay DN vẫn chưa nhận được phản hồi của TP” - ông Thành cho hay.

Đồng tình, ông Lê Mạnh Hùng cũng cho rằng thủ tục hành chính hiện nay là một rào cản DN muốn tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội. Ông Hùng cho biết công ty ông cũng từng phải mất bảy năm mới hoàn thành xong thủ tục pháp lý của một dự án tại TP.HCM. Trong khi đó, đầu tư một dự án nhà ở xã hội ở Bình Dương với quy mô 32 ha, DN này chỉ mất bốn tháng đã giải phóng mặt bằng xong 20 ha. “Nếu thủ tục hành chính xong sớm thì đến nay nhà của chúng tôi đã xây xong rồi” - ông Hùng nói.

Ông Trần Bá Dương, Tổng Giám đốc Công ty Đại Quang Minh, cũng cho rằng với quy trình thủ tục như hiện nay thì DN rất khó đẩy nhanh tiến độ đầu tư, xây dựng nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá rẻ. Theo ông Minh, đã đến lúc TP cần phải thay đổi về quy trình, thủ tục. Các DN đều nhận định để xin đầu tư một dự án phải mất rất nhiều thời gian vì phải chạy qua nhiều sở, ngành để lo thủ tục. Do vậy, DN đề xuất cần phải có một đầu mối là một cửa để tiết kiệm thời gian.

“DN vướng mắc cứ lên gặp anh Tuấn”

Bí thư Thành ủy đề nghị Hiệp hội Bất động sản TP.HCM ngồi lại với các sở, ngành để tìm giải pháp cắt giảm các bước thực hiện thủ tục xuống chỉ còn sáu tháng. Đồng thời Sở Xây dựng phải là đầu mối một cửa để DN chỉ cần nộp và nhận hồ sơ tại Sở Xây dựng mà không phải xách hồ sơ chạy lòng vòng. “Nếu cứ đá đi đá lại thì rất mất thời gian và cơ hội của DN. Mỗi tháng tổ công tác của Sở Xây dựng có họp, DN có vướng mắc gì, cứ lên gặp anh Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở ” - ông Thăng nói.

TP sẽ tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho DN đầu tư xây dựng nhà ở xã hội. Đặc biệt là về mặt quy trình, thủ tục, cái nào luật đã quy định thì phải chấp hành, còn trong thẩm quyền thì tôi xin đảm bảo chịu trách nhiệm tháo gỡ ngay. Từ nay Sở Xây dựng là cơ quan đầu mối, DN thay vì phải đi nhiều cửa thì chỉ cần đến Sở Xây dựng là xong.

Ông LÊ VĂN KHOA, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm