TP.HCM: Lao động nghỉ việc đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp tăng

(PLO)-Trong 9 tháng đầu năm 2023, UBND TP.HCM và thanh tra Sở LĐ-TB&XH đã phạt 155 trường hợp vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động với tổng tiền hơn 10 tỉ đồng.

Chiều 28-9, Sở LĐ-TB&XH TP.HCM đã tổ chức hội nghị sơ kết hoạt động 9 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 3 tháng cuối năm.

Tại hội nghị, bà Trần Thị Thanh Hằng, Chánh văn phòng Sở LĐ-TB&XH, cho biết từ đầu năm đến nay, cơ quan chức năng của thành phố đã tiếp nhận hơn 166.000 hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, ban hành quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp cho hơn 112.000 người lao động.

So với năm 2022 thì số lao động nghỉ việc tại các doanh nghiệp nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp tăng 10.323 trường hợp, tỉ lệ tăng 9,74%.

Tuy số trường hợp lao động nghỉ việc nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp tăng cao nhưng ngành lao động đã kịp thời tư vấn, giới thiệu việc làm và thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động.

So lao dong.jpg
Sở LĐ-TB&XH TP.HCM đã tổ chức hội nghị sơ kết hoạt động 9 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 3 tháng cuối năm. Ảnh: NGUYỄN HIỀN

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Thành Lâm, Chánh Thanh tra Sở LĐ-TB&XH TP.HCM, thông tin từ đầu năm 2023 đến cuối tháng 8-2023 thanh tra sở đã ban hành 90 quyết định xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến lĩnh vực lao động với tổng tiền phạt hơn 2,4 tỉ đồng. Đồng thời, Thanh tra sở cũng đã tham mưu Giám đốc sở trình UBND TP ban hành 65 quyết định xử phạt với số tiền gần 9 tỉ đồng.

Sau khi có quyết định xử phạt và qua thời gian đôn đốc, nhắc nhở đã có 70 trường hợp chấp hành xử phạt với số tiền gần 3 tỉ đồng.

Ông Lâm nhận định: “Việc chấp hành các quyết định xử phạt vi phạm hành chính của các doanh nghiệp chưa cao, mặc dù thanh tra sở đã thực hiện các trình tự, thủ tục theo quy định như ban hành văn bản nhắc nhở, tham mưu các quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính”.

chanh tra sở.jpg
Đại diện Thanh tra Sở phát biểu tại hội nghị. Ảnh: NGUYỄN HIỀN

Theo ông Lâm, trong quá trình thi hành Luật xử lý vi phạm hành chính, đối với công tác cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt gặp nhiều khó khăn như thủ tục cưỡng chế phức tạp, liên quan đến nhiều cơ quan đơn vị.

Từ những khó khăn, vướng mắc trên ông Lâm kiến nghị cần có quy định chi tiết về công tác thi hành cưỡng chế trong xử lý vi phạm hành chính. Đồng thời, cần có quy định cụ thể khi cơ quan hành chính nhà nước yêu cầu tổ chức tín dụng cung cấp thông tin về tài khoản cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế hiện đang mở tại tổ chức tín dụng của mình….

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm