"Nghiện ma túy là bệnh mạn tính do rối loạn của bộ não… Vì vậy, khi đã xem nghiện là bệnh thì việc điều trị nghiện cũng cần đưa vào gói dịch vụ y tế chi trả…".
UBND TP.HCM đề xuất như trên trong báo cáo vừa trình Thủ tướng Chính phủ về chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng chất thay thế methadone.
Một thanh niên "ngáo đá" leo lên nóc chùa ở quận 8 gây náo loạn. Ảnh: PLO
Theo UBND TP, trong trường hợp bảo hiểm y tế không thể chi trả toàn bộ chi phí cai nghiện thì có thể chi trả cho lúc xét nghiệm để đưa vào điều trị và những lần xét nghiệm trong quá trình điều trị.
UBND TP.HCM cho biết: Trong năm 2018, TP sẽ mở thêm năm cơ sở điều trị nghiện bằng methadone (ở quận 3, quận Tân Phú, huyện Hóc Môn và Củ Chi), nâng số cơ sở điều trị nghiện ma túy lên 26 cơ sở.
Hiện nay TP.HCM đang cung cấp dịch vụ điều trị methadone cho 21 cơ sở. Tính đến hết ngày 31-10-2017, tại TP.HCM có hơn 5.000 người cai nghiện. Dự kiến đến hết tháng 12-2017, số bệnh nhân điều trị sẽ tăng lên hơn 5.300 người.
Dù đã mở rộng các cơ sở điều trị nghiện bằng methadone nhưng theo UBND TP, nếu so với chỉ tiêu mà Chính phủ giao cho TP thì với số người cai nghiện trên TP chỉ mới điều trị đạt được hơn 63%.
“Nguyên nhân chủ yếu là do việc điều trị bằng methadone xuất phát từ nhu cầu của bệnh nhân nên các cơ sở không thể quyết định được số bệnh nhân vào điều trị để đạt chỉ tiêu” - UBND TP giải thích.
UBND TP cho biết để mở rộng và duy trì hoạt động cho các cơ sở điều trị bằng methadone, trong năm 2016 TP phải chi hơn 18 tỉ đồng (ngân sách) để mua thuốc methadone điều trị cho năm 2017. Đến năm 2017, TP tiếp tục chi hơn 21 tỉ đồng để mua thuốc methadone điều trị cho người nghiện trong năm 2018.