TP.HCM tăng cường giám sát các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực

(PLO)- Ban Thường vụ Thành ủy TP yêu cầu các cấp ủy, tổ chức Đảng, người đứng đầu cấp ủy các cấp tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện kiểm tra, giám sát theo phương châm "giám sát phải mở rộng, kiểm tra phải có trọng tâm, trọng điểm".
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM vừa ban hành chương trình hành động thực hiện Kết luận 34/2022 của Bộ Chính trị về chiến lược công tác kiểm tra, giám sát của Đảng đến năm 2030 với những nhiệm vụ và giải pháp cụ thể.

Mục tiêu của chương trình hành động là để chủ động phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn, kiên quyết xử lý suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống, tham nhũng, tiêu cực.

Đổi mới mạnh mẽ phương pháp, nội dung, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật Đảng. Gắn công tác kiểm tra, giám sát của Đảng với nâng cao vai trò giám sát của nhân dân trong thực hiện phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí và trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên.

Ban Thường vụ Thành ủy TP yêu cầu các cấp ủy, tổ chức Đảng, người đứng đầu cấp ủy các cấp tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện kiểm tra, giám sát theo phương châm "giám sát phải mở rộng, kiểm tra phải có trọng tâm, trọng điểm".

Tăng cường giám sát thường xuyên, giám sát chuyên đề đối với các ngành, các lĩnh vực trọng điểm cần sự lãnh đạo của cấp ủy hoặc các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, vi phạm; những nơi có dấu hiệu nội bộ mất đoàn kết; những vấn đề dư luận quan tâm; việc thực hành tiết kiệm, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, đảng viên...

Chú trọng kiểm tra, giám sát trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó, cấp ủy viên cùng cấp trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện quy chế; công tác cán bộ; thực hiện chất vấn trong Đảng. Thực hiện miễn nhiệm, từ chức của cán bộ, Đảng viên không đủ năng lực, uy tín; việc thực thi nhiệm vụ quản lý nhà nước ở một số lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng…

Thường xuyên tự kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện những hạn chế, khuyết điểm, chủ động khắc phục, chấn chỉnh; phát huy vai trò nêu gương trong việc giữ gìn phẩm chất, đạo đức, lối sống…

Đối với ủy ban kiểm tra cấp ủy các cấp, Ban Thường vụ Thành ủy yêu cầu bám sát lãnh đạo của cấp ủy và chỉ đạo, hướng dẫn của ủy ban kiểm tra cấp trên… Tham mưu, giúp cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát bảo đảm khoa học, tránh chồng chéo, trùng lắp về nội dung, thời gian và đối tượng. Kết hợp chặt chẽ giữa công tác kiểm tra, giám sát của Đảng với công tác thanh tra, điều tra, giám sát của cơ quan nhà nước, Ủy ban MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị- xã hội và giám sát của nhân dân.

Chủ động kiểm tra hoặc chỉ đạo, hướng dẫn cấp ủy, ủy ban kiểm tra cấp dưới kiểm tra tổ chức đảng, đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm.

Tập trung vào những lĩnh vực, địa bàn, vị trí công tác dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực; chú trọng kiểm tra dấu hiệu suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những vấn đề dư luận quan tâm, bức xúc; xử lý kỷ luật nghiêm minh, kịp thời tổ chức Đảng, đảng viên vi phạm.

Ủy ban kiểm tra cấp ủy các cấp tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn cấp ủy, ủy ban kiểm tra cấp dưới trong công tác kiểm tra, giám sát; nhất là đối với những vụ việc tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, những vụ việc phức tạp, nhạy cảm, sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của cán bộ, Đảng viên…

Chương trình hành động cũng nêu rõ các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm với các cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy; các ban cán sự Đảng, đảng đoàn, Ban Thường vụ Thành Đoàn; MTTQ Việt Nam và tổ chức chính trị - xã hội…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm