TP.HCM trả lương cực cao với nhân tài

Sở Nội vụ TP.HCM vừa trình UBND TP tờ trình về hoàn chỉnh chuyên đề “Cơ chế tuyển dụng, sử dụng và phát huy người tài” trong bộ máy nhà nước của TP.HCM.

Ưu đãi về nhà ở

Theo tờ trình, thời gian tới TP.HCM sẽ kiến nghị các cấp có thẩm quyền ban hành, bổ sung các chế độ chính sách ưu đãi, thu hút và khuyến khích nguồn nhân lực trẻ, đội ngũ chuyên gia cao cấp có trình độ, năng lực được đào tạo bài bản ở trong và ngoài nước về công tác tại các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập. Trong đó ưu tiên cải cách chế độ tiền lương, phụ cấp và các chế độ ưu đãi về nhà ở, phương tiện, môi trường làm việc, trang thiết bị phục vụ yêu cầu công việc.

Có ba giải pháp được TP.HCM đưa ra để thu hút và trọng dụng người tài. Trong đó nhấn mạnh đến cơ chế chính sách kêu gọi trí thức, chuyên gia, nhà khoa học đang công tác trên các lĩnh vực thuộc TP quản lý. Tiếp tục vận động kiều bào, đội ngũ khoa học trong và ngoài nước về công tác, tham gia nghiên cứu, giải quyết các vấn đề lớn của TP. Những người có trình độ cao như thạc sĩ, tiến sĩ, phó giáo sư, giáo sư, chuyên gia, nhà khoa học… sẽ được ưu tiên tuyển dụng không qua thi. Đồng thời được phân công đúng sở trường, năng lực, tạo điều kiện tối đa về không gian, cơ sở vật chất, môi trường làm việc và thời gian để nghiên cứu, phát huy sáng kiến. TP cũng sẽ tạo điều kiện thuê nhà ở công vụ, bố trí thuê hoặc thuê mua nhà ở xã hội và xem xét, quy hoạch, bổ nhiệm vào các chức danh lãnh đạo chủ chốt.

Nghiên cứu khoa học tại nhà máy Nanogen (Khu Công nghệ cao TP.HCM). Ảnh: Hữu Luận

Cần cơ chế phù hợp

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, GS-TS Đặng Lương Mô (Việt kiều Nhật, là nhà khoa học uy tín trong lĩnh vực vi mạch trên thế giới), cố vấn ĐH Quốc gia TP.HCM, cho rằng trong cơ chế chính sách trọng dụng người tài, quan trọng nhất là phải có chế độ tiền lương thỏa đáng cho các chuyên gia, nhà khoa học. Tất nhiên, chế độ tiền lương hấp dẫn không phải là tất cả mà quan trọng hơn là phải đối xử với họ tốt, tạo cho họ môi trường làm việc, chế độ ưu đãi về nhà ở.

“Những trí thức, chuyên gia, nhà khoa học kiều bào đang trong đỉnh cao của sự nghiệp thì TP.HCM phải có chế độ thù lao hậu hĩnh. Đối với những trí thức Việt kiều được bổ nhiệm vào các chức danh lãnh đạo chủ chốt của TP thì họ phải được hưởng tất cả chính sách ưu đãi như những lãnh đạo trong nước” - GS Mô nói.

TSKH Trần Hà Anh (Việt kiều Pháp, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học-Công nghệ và Môi trường của Quốc hội) cho biết những cơ chế, chính sách mà TP.HCM đang xây dựng về cải cách tiền lương, ưu đãi về nhà ở… tất cả đề ra đều rất tích cực để có thể thu hút được người tài vào làm việc trong bộ máy nhà nước trên địa bàn TP. Tất nhiên, điều quan trọng nhất là phải cụ thể hóa những chính sách đó. “Tạo điều kiện thuê hoặc thuê mua nhà ở xã hội như trong dự thảo nói thì với trí thức kiều bào, không hẳn họ thỏa mãn mức đó. Phải tính đến chuyện lương bổng để làm sao cho họ yên tâm làm việc, đừng để cho họ khó khăn thêm. Họ về nước nhưng gia đình họ bên kia cũng đã là khó khăn rồi. Đối với những chuyên gia, nhà khoa học làm thay đổi chất lượng khoa học của TP.HCM thì phải có chế độ lương thật sự hấp dẫn” - ông Hà Anh nêu ý kiến.

Được biết cuối năm 2014, TP cũng đã thí điểm một số chính sách thu hút các chuyên gia khoa học và công nghệ vào làm việc tại bốn đơn vị: Ban Quản lý khu Công nghệ cao, Ban Quản lý khu Nông nghiệp Công nghệ cao, Viện Khoa học Công nghệ và Tính toán, Trung tâm Công nghệ sinh học. Mức lương thỏa thuận chi từ nguồn ngân sách TP tối đa là 150 triệu đồng/tháng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm