TP.HCM: Ứng dụng AI để mang đến cho người dân các tiện ích mới

Sáng 25-9, UBND TP.HCM phối hợp cùng Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam tổ chức hội thảo quốc tế "Kinh nghiệm quốc tế và trong nước về nghiên cứu và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) - Khuyến cáo cho TP.HCM”.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cùng các đại biểu. Ảnh: TÁ LÂM

Tham dự có ông Nguyễn Thiện Nhân - Bí thư Thành ủy TP.HCM, ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND TP.HCM, lãnh đạo trung ương cùng các chuyên gia trong và ngoài nước.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong nói hội thảo này nhằm giúp TP.HCM tiếp tục tìm hiểu sâu hơn về kết quả nghiên cứu AI, tìm con đường ngắn nhất để ứng dụng AI trên diện rộng trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân chào mừng các đại biểu dự hội thảo.

Những kết quả của hội thảo là cơ sở quan trọng để TP.HCM xây dựng hệ sinh thái ứng dụng AI, thành lập trung tâm AI trong thời gian tới, cũng như tiếp nhận thông tin đa chiều xây dựng văn kiện Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XI.

Theo ông Phong, TP.HCM với vai trò là một đô thị đặc biệt, trung tâm nhiều lĩnh vực của cả nước và cửa ngõ của hội nhập, từ năm 2015 đã đưa các dự án ứng dụng AI vào chương trình kích cầu hỗ trợ lãi suất với mức cho vay mỗi dự án 100 tỉ đồng. Từ năm 2017, TP đã tích hợp ứng dụng AI để xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh.

“Điều này được kỳ vọng như một trong những hạt nhân để phát triển TP trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và nền tảng triển khai thành công đề án đô thị thông minh” - ông Phong nói.

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong phát biểu tại hội thảo. Ảnh: TÁ LÂM

Tuy nhiên, người đứng đầu chính quyền TP.HCM cũng nhìn nhận việc ứng dụng AI vào sản xuất, đời sống còn chậm, thậm chí còn kém so với các đô thị trên thế giới. Tình trạng này do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân nguồn lực chưa sẵn sàng đón nhận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư là điểm nghẽn kìm hãm sự phát triển ứng dụng AI trên địa bàn TP.

“TP.HCM đang từng bước trở mình trở thành một siêu đô thị và mong muốn đem đến cho người dân những tiện ích mới, trong đó AI là một trong những giải pháp thực hiện mục tiêu này” - ông Phong nói và mong muốn cùng trao đổi, lắng nghe góp ý, hiến kế, kinh nghiệm của các chuyên gia, nhà khoa học và các tổ chức quốc tế về nghiên cứu, ứng dụng AI.

Năm vấn đề mà ông Phong mong muốn các đại biểu tập trung trao đổi gồm: Mô hình và mức độ ứng dụng AI tại TP.HCM; Sự liên kết tương tác tứ giác trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đó là Nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học và nhà đầu tư tài chính; Hệ sinh thái AI, ứng dụng AI phải gắn với công tác nghiên cứu và đào tạo, nắm bắt công nghệ, đổi mới sáng tạo nhằm tạo được đội ngũ giỏi có thể khởi nghiệp về lĩnh vực AI; Sự hấp dẫn với các doanh nghiệp, tổ chức tài chính lớn tham gia vào nghiên cứu, ứng dụng AI; Sự sẵn sàng của TP.HCM trong nghiên cứu, ứng dụng AI.

Tại hội thảo, các chuyên gia đã đưa ra kinh nghiệm trong nghiên cứu, ứng dụng, triển khai AI trong từng lĩnh vực cụ thể như giao thông vận tải, giáo dục, y tế, ngân hàng, sản xuất, IoT… ở các đô thị lớn trên thế giới và khuyến nghị cho TP.HCM hướng phát triển trong thời gian tới.

Ông Ousmane Dione (Giám đốc quốc gia, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam) đặt vấn đề: AI có thể mang lại những gì và bằng cách nào để đưa TP.HCM trở thành một đô thị thịnh vượng và có khả năng chống chịu tốt hơn trong tương lai?

Tự trả lời câu hỏi này, ông cho rằng những vấn đề căn bản mà TP.HCM hiện đang gặp phải hiện nay không phải là mới, thế nhưng tốc độ tăng trưởng nhanh chóng đang càng làm trầm trọng thêm những mối quan ngại về giao thông, tình trạng ngập lụt, chất lượng môi trường cũng như những bất cập về cơ sở hạ tầng.

“TP.HCM cần cung cấp việc làm bền vững hơn, dịch vụ công tốt hơn và chất lượng cuộc sống cho người dân cao hơn. Nhu cầu lớn về phát triển cơ sở hạ tầng trong điều kiện nguồn lực tài chính hạn hẹp đòi hỏi chính quyền TP khai thác cách tiếp cận thông minh về quy hoạch đô thị, bao gồm cả quy hoạch sử dụng đất, xây cơ sở hạ tầng mới và tối ưu hóa cơ sở hạ tầng hiện có” - ông Ousmane Dione nói và cho rằng AI có thể là giải pháp giải quyết các thách thức này nếu có môi trường thuận lợi và phù hợp.

Ông Ousmane Dione (Giám đốc quốc gia, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam) phát biểu tại hội thảo. Ảnh: TÁ LÂM

Ông lấy ví dụ ở thành phố lớn nhất của Argentina là Buenos Aires đã sử dụng AI để hướng tới bảo trì tối ưu các cống thoát nước mưa, hay New York sử dụng AI để hướng tới kiểm tra an toàn và thực phẩm tốt hơn. Các trung tâm toàn cầu như Thượng Hải, Singapore hay Seoul đã và đang lồng ghép AI trong từng đặc điểm đặc trưng nhất của thành phố mình.

Từ đó, ông Ousmane Dione kiến nghị ba yếu tố chính đảm bảo thành công của AI cho TP.HCM. Thứ nhất, cần đặt kỳ vọng một cách rõ ràng và thực tế về các lĩnh vực và cách thức áp dụng AI cho TP. Thứ hai, phải đảm bảo môi trường thuận lợi cho AI thành công trên thực tế, đặc biệt liên quan đến vấn đề truy cập và tích hợp dữ liệu cần thiết để giải quyết các thách thức của thành phố. Cuối cùng, cần đảm bảo rằng chúng ta hiểu và quản lý mọi rủi ro chính liên quan đến AI.

Tuy nhiên, ông cũng khẳng định để giải quyết các thách thức lớn nhất của TP.HCM, muốn thành công vẫn là con người và tổ chức. “Tôi cho rằng AI thành công không đơn thuần chỉ là tự động hóa các hoạt động thông thường. Nói cách khác, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 không thể vận hành trong bộ máy quan liêu 1.0. Chúng ta chỉ có thể mở ra cơ hội mới nếu đảm bảo rằng con người và quy trình - bao gồm khung pháp lý, quy định ở cấp trung ương và địa phương - tích cực nắm bắt và hòa cùng xu thế ứng dụng AI” - ông nói.

Theo chương trình, chiều nay hội thảo tiếp tục thảo luận. Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân sẽ phát biểu kết luận.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm