Trả lời 3 câu hỏi để phát triển kinh tế xanh - Kỳ 2: Cơ chế nào?

(PLO)- Nếu có khuôn khổ pháp lý, cơ chế đồng bộ, quy trình chuyển đổi xanh sẽ không gặp phải những ‘trục trặc’, kìm hãm những mục tiêu quan trọng đã đề ra.

TS Cấn Văn Lực (Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính tiền tệ quốc gia) tại diễn đàn tài chính xanh năm 2024 chỉ rõ, tài chính xanh tại Việt Nam vẫn còn nhiều thách thức, trong đó vấn đề vô cùng quan trọng cần phải nhắc tới đó là chưa có khung pháp lý, chính sách tổng thể, nhất quán liên quan đến tài chính xanh.

Đồng quan điểm này, nhiều chuyên gia cũng cho rằng hệ thống pháp luật của Việt Nam trong vấn đề chuyển đổi xanh vẫn chưa thật sự đồng bộ, chưa có văn bản pháp luật cụ thể quy định rõ ràng các danh mục chuyển đổi xanh để các doanh nghiệp (DN) có thể áp dụng.

Có thể nói đây là vấn đề then chốt nhất trong quá trình chuyển đổi nền kinh tế theo hướng xanh hóa. Bởi lẽ, khi có một khuôn khổ pháp lý có khả năng huy động được tối đa các nguồn lực trong nước, từ tài chính, công nghệ, con người… đến việc đưa các gói hỗ trợ tài chính quốc tế đi vào thực tiễn thì hành trình chuyển đổi xanh mới đạt được nhiều hiệu quả như kỳ vọng.

Theo Th.S Lưu Đức Quang – Giảng viên trường Đại học Kinh tế - Luật, ĐHQG TP.HCM, trong thiết kế chính sách, pháp luật cần có các cơ chế, chính sách công khai, minh bạch hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực với không gian, thời gian cụ thể, gắn với các khoản vay ưu đãi, bảo lãnh có mục tiêu và nhiều công cụ tài chính khác mang tính chất chia sẻ rủi ro cũng như lợi ích giữa Nhà nước và nhà đầu tư. Pháp luật càng công khai, minh bạch sẽ giảm thiểu chi phí xã hội cho sản xuất, kinh doanh, đổi mới, sáng tạo trong chuyển đổi xanh. Thể chế tốt sẽ góp phần giảm rủi ro trong đầu tư cho các ngành công nghiệp mới, nhất là đối với những người đi tiên phong.

Cạnh đó, Th.S Quang cũng đề xuất: “Trong các quy định, chúng ta cần có sự phân loại cụ thể, rõ ràng về từng lĩnh vực xanh để các DN dễ dàng tiếp cận”.

Từng trả lời với báo Pháp Luật TP.HCM, TS Hồ Quốc Tuấn - Giảng viên Đại học Bristol, Anh nhận định, nước ngoài cũng đang như ta, đang chạy đua đổi mới chính sách. Ai hơn ai là ở chỗ ai nhanh hơn.

Theo TS Tuấn, trong lĩnh vực kinh tế xanh này, năng lực nghiên cứu, triển khai, nguồn vốn, đều đã ít nhiều được một số tổ chức nước ngoài tài trợ cho các chuyên gia, DN, ngân hàng ngay ở nước họ. Nguồn lực có sẵn vì vậy có thể sẵn sàng được san sẻ với chi phí rất thấp cho Việt Nam, ví dụ các chuyên gia nước ngoài chia sẻ kinh nghiệm xây dựng thị trường giao dịch carbon vừa thành lập ở Indonesia và Nhật, lý do lựa chọn của họ, thách thức v.v. Cũng có nhiều nhà nghiên cứu của Việt Nam ở nước ngoài có thể tận dụng nguồn tài trợ nghiên cứu trong đề án ở nước ngoài của họ để làm thêm một số nghiên cứu về Việt Nam mà phía Việt Nam chỉ cần hỗ trợ rất ít, ngoại trừ đầu mối liên lạc và tạo điều kiện cho nhà nghiên cứu đến làm việc.

Nhưng vấn đề lớn nhất là, sau khi những nghiên cứu, đề xuất, giải pháp được đưa ra, thì làm sao đi vào thực tế nếu không có một cơ chế mở cho phép mọi thứ được triển khai nhanh. Chuyên gia, tổ chức nước ngoài sẽ phấn khởi, sẵn sàng tham gia nhiều hơn nếu họ nhìn thấy những gì họ đóng góp đi vào thực tế nhanh – chính họ cũng sẽ học được từ thực tế đó. Vấn đề là làm sao làm nhanh với việc phải phát động phong trào, lập danh mục dự án theo “đúng qui trình”.

Trong cuộc đua với các nước trong khu vực ở lĩnh vực này, ai có vẻ cũng đang nhận ra, qui trình, chính sách không theo kịp đang là rào cản. Ai gỡ rối nhanh hơn sẽ bứt phá. Điều này đòi hỏi một góc nhìn dám nghĩ, dám làm, nghĩ khéo, làm khéo của các lãnh đạo địa phương và trung ương để làm sao thoát ra được những cái rào cản đang kéo chân số đông.

Người bứt lên dẫn đầu không thể làm theo cách số đông đang làm, đó là quy luật. Muốn bứt phá, phải khác biệt.

Trong diễn đàn tài chính xanh năm 2024, ông Nguyễn Bá Sơn - Phó Giám đốc Ban Kinh doanh vốn và tiền tệ, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam BIDV cũng chia sẻ, khó khăn thách thức hiện nay là quy định về phân loại xanh (Taxonomy) của Việt Nam chưa được ban hành, chính sách hỗ trợ chưa đủ lớn để thúc đẩy các DN tham gia chuyển đổi xanh.

Cùng quan điểm, ông Phạm Bình An, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM cho biết: “Theo tôi, việc phân loại xanh vẫn là yếu tố tiên quyết, bởi phải rõ ràng từ khâu phân loại, thì các khâu tiếp theo mới thuận lợi, trơn tru được”.

Thực tế, ông Nguyễn Thế Tân – Phó Giám đốc công ty TNHH MTV trà Tâm Lan chia sẻ, ông rất mong muốn nhận được sự chủ động, hướng dẫn từ phía các đơn vị hỗ trợ vốn, từ quy trình để thủ tục pháp lý, bởi lẽ có quá nhiều thủ tục khiến công ty ông không biết phải bắt đầu từ bước nào.

“Ở góc độ DN, chúng tôi cũng rất lúng túng không biết phải bắt đầu từ đâu hay tiếp cận từ góc độ nào vì không có ai hướng dẫn phải tiếp cận” – Ông Tân bày tỏ.

Còn ông Nguyễn Hoàng Xuân Độ, Tổng Giám đốc công ty TNHH SX TM&DV Bao bì Tăng Phú – Tafuco thì cho biết, dù biết được có rất nhiều gói ưu đãi tài trợ để các DN chuyển đổi xanh như DN của ông có thể tiếp cận nhưng ông không biết phải liên hệ ai và không biết nhóm ngành bao bì của mình nằm trong gói tài trợ nào để tìm hiểu và tiếp cận.

Có lẽ, thách thức phát triển thị trường vốn xanh tại Việt Nam là khung pháp lý vẫn đang được hoàn thiện DN chưa nắm bắt được lợi ích dài hạn của phát triển bền vững và hạn chế kiến thức về tài chính xanh.

Đồng thời, các cơ chế chính sách khuyến khích các DN phát hành và nhà đầu tư sản phẩm tài chính xanh còn hạn chế. Bên cạnh đó, thiếu sự tham gia tích cực của các bên cung cấp dịch vụ đánh giá độc lập (trước và sau phát hành).

“Các nhà đầu tư luôn sẵn sàng nhưng họ gặp những khó khăn về mặt quy hoạch, quy trình, quy chuẩn, mặt bằng… Đó là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước. Những khó khăn này nếu được giải quyết thì sự tham gia của các DN tư nhân sẽ nhanh chóng được mở rộng, từ đó sẽ có nhiều nguồn vốn hơn để hỗ trợ DN” - PGS.TS Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giao thông Vận tải Việt Đức, Trường Đại học Việt Đức nhận định.

Qua trao đổi, nhiều chuyên gia pháp lý nhận định, về hành lang pháp lý, mặc dù Chính phủ cũng đã ban hành và phê duyệt các chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và phát triển bền vững theo từng thời kỳ. Tuy nhiên, hệ thống pháp luật vẫn chưa thật sự đồng bộ, chưa có văn bản pháp luật cụ thể quy định rõ ràng các danh mục như năng lượng xanh, năng lượng tái tạo... Điều này gây cản trở, khó khăn cho các DN muốn tiếp cận vốn.

TS Hồ Quốc Tuấn - Giảng viên Đại học Bristol, Anh nhận định, trong vấn đề xây dựng khung pháp lý xanh, xuất phát điểm đầu tiên là đối thoại chính sách. Cần phải có một bàn tròn giữa nhà làm chính sách – chuyên gia tổ chức thường xuyên trong năm ở các địa phương về chủ đề chuyển đổi xanh và có một địa chỉ duy nhất về chủ đề chuyển đổi xanh được thiết lập để các chủ thể trong nền kinh tế có nơi mà gửi phản hồi cũng như thắc mắc của họ về đó. Nơi đó sẽ là cơ quan công quyền phản hồi các thắc mắc, nhưng đồng thời tổng hợp cơ sở dữ liệu về những gì đang được làm ở các cấp cơ sở, DN và tổ chức phi chính phủ trong nỗ lực chuyển đổi xanh. Từ đó cơ quan đó mới có thể cố vấn chính sách kịp thời, và phản hồi về chính sách kịp thời cho DN và tổ chức phi chính phủ.

Từ kinh nghiệm chính sách của các quốc gia trên thế giới, chúng ta có thể học hỏi được nhiều điều để sớm xây dựng một số đạo luật xanh tại Việt Nam.

Lấy ví dụ, theo TS. Emily Moylan, giảng viên trường Kỹ thuật xây dựng dân dụng, ĐH Sydney (Úc), ở Úc, cả chính quyền liên bang lẫn các tiểu bang đều xây dựng hành lang pháp lý để thúc đẩy quá trình điện khí hóa phương tiện giao thông. Đây không chỉ là chuyện phát triển công nghệ xe hay pin điện mà là phát triển một hệ thống theo hướng hỗ trợ người dân luôn ưu tiên mua và dùng xe điện, một trong những giải pháp thúc đẩy kinh tế xanh.

Việc hoàn thiện khung pháp lý liên quan đến thị trường vốn xanh (cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ ngành); phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Tài chính nghiên cứu, hoàn thiện khung chính sách hỗ trợ cho thị trường vốn xanh nhằm tạo thuận lợi cho các tổ chức phát hành, thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư trong và ngoài nước; tăng cường hợp tác quốc tế trong công tác xây dựng và phát triển thị trường vốn xanh, hướng tới thực hiện các thông lệ tốt trên thị trường chứng khoán gắn với tăng trưởng xanh; nghiên cứu hoàn thiện và cơ cấu lại Chỉ số VNSI để phù hợp hơn với bối cảnh phát triển bền vững trên thị trường chứng khoán hiện nay…

Ông K. Zé Liu - Viện tài nguyên thế giới cho biết, liên quan đến mô hình tài chính và chia sẻ rủi ro, ở các quốc gia khác trên thế giới có những mô hình tài chính có nhiều bên tham gia hơn chứ không chỉ đơn thuần là một bên tài trợ và một bên là DN. Cụ thể ở đây là có thể có thêm các bên liên quan khác để cùng nhau chia sẻ rủi ro vì lợi ích chung của cộng đồng. Khi có nhiều bên tham gia như vậy thì rủi ro có thể được phân bổ ở quy mô rộng hơn và việc quản lý rủi ro cũng được chia sẻ, từ đó làm tăng tính khả thi cho môi trường kinh doanh.

Ông K. Zé Liu cũng đề xuất một số giải pháp có thể áp dụng tại Việt Nam. Cụ thể, đối với các nhà tài trợ, điều tất yếu là họ cần một con số cụ thể, một bức tranh tổng quan của DN để họ có thể thẩm định về dự án. Vì vậy, việc mà các DN cần làm ở đây đưa ra những dữ liệu cụ thể để phía nhà tài trợ có thể dễ dàng thẩm định, từ đó mới có thể có được tiếng nói chung giữa hai bên.

Từ những bài học kinh nghiệm trên, chúng ta có thể thấy rằng, để tạo ra mô hình tài chính mới cho TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung cần nghiên cứu các mô hình tài chính hỗn hợp kết hợp giữa các khoản vay ưu đãi ở trong nước và trên thế giới với cam kết, hỗ trợ của chính quyền địa phương để tạo ra các điều kiện ban đầu thuận lợi, giảm thiểu rủi ro, từ đó thu hút các nhà đầu tư tư nhân trong nước và quốc tế tham gia vào đầu tư các dự án xanh. Sự cam kết của nhà nước, sự tham gia của các tổ chức tài chính trên thế giới sẽ tạo ra nền tảng vững chắc để tạo ra sự quyết tâm về chính trị cũng như sự an tâm cho các nhà đầu tư.

Để bảo vệ môi trường, giảm phát thải hiệu ứng nhà kính, bảo vệ sức khỏe người dân, lợi ích của xã hội, lợi ích của loài người, theo PGS.TS Vũ Anh Tuấn, “nhà nước cần chung tay, cùng nhau gánh vác trách nhiệm, cùng nhau gánh vác rủi ro vì lợi ích chung của cộng đồng”.

Quá trình chuyển đổi nền kinh tế theo hướng xanh, sạch, tuần hoàn là vì lợi ích con người và do con người thực hiện. Khi chúng ta đã nhìn nhận ra những thách thức trước mắt cần sớm phải vượt qua thì sự đồng lòng, quyết tâm của cả xã hội sẽ là chiếc chìa khóa để tháo gỡ những khó khăn, rào cản đó.

Năm 2010, Hàn Quốc ban hành Luật Tăng trưởng xanh, đây được nhận định là đạo luật quy định bao quát tất cả các vấn đề có liên quan đến năng lượng, ứng phó biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế bền vững.

Tại Đan Mạch, đất nước này đã thông qua mức thuế đặc biệt với việc xử lý chất thải, bao gồm cả mức phí xử lý chất thải xây dựng. Đặc biệt, Chính phủ còn thông qua đề án các công ty phải đóng thuế do trực tiếp xả khí thải ra môi trường.

Ở Nhật Bản, Chính phủ nước này cũng cung cấp các biện pháp hỗ trợ chính sách, bao gồm tăng cường các khoản trợ cấp và lợi ích về thuế khác nhau để hỗ trợ các sáng kiến chủ động của DN , nguồn tài chính cho lĩnh vực biến đổi khí hậu…

Là đất nước đi đầu trong hành trình chuyển đổi xanh, Singapore đã đưa vào hoạt động một trong những trang trại điện mặt trời nổi lớn nhất toàn cầu, gồm 120 nghìn tấm pin mặt trời tại hồ Tengeh với công suất tối đa đạt 60 MW…

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới