Mặc dù TQ đánh giá chủ nghĩa đa phương giữ vai trò trung tâm trong chính sách ngoại giao. Thực tế đây chỉ là chủ nghĩa đa phương có giới hạn vì khi động chạm đến vấn đề chủ quyền, TQ sẵn sàng dẹp bỏ đường lối đa phương và chọn giải pháp song phương hoặc hành động đơn phương.
Điều này có thể thấy rõ tại Diễn đàn khu vực ASEAN lần thứ hai năm 1995 ở Brunei. Các nước đưa ra ba giai đoạn phát triển hợp tác an ninh khu vực gồm xây dựng niềm tin, ngoại giao ngăn ngừa và các chiến lược giải quyết xung đột.
TQ nhất trí với giai đoạn thứ nhất nhưng lo ngại hai giai đoạn sau bởi hai giai đoạn này xung đột với chủ quyền TQ.
Như vậy rõ ràng TQ chỉ sử dụng cơ chế song phương để chia rẽ các nước tranh chấp ở biển Đông, tạo mập mờ về giải pháp giải quyết và tạo cơ hội thao túng lớn hơn trong đàm phán. Nói cách khác, giải pháp cho tranh chấp ở biển Đông đã bị phá hỏng ngay từ đầu vì chủ nghĩa đa phương khoác lác và có giới hạn của TQ…
Với thái độ gây hấn của TQ ở biển Đông, chủ nghĩa đa phương của TQ chỉ là giả tạo. Chủ nghĩa đa phương theo cách hiểu của TQ là công cụ chiến lược cần thiết để chống lại các chính sách đơn phương và bá quyền của Mỹ.
Điều này tạo ra một trật tự kinh tế-chính trị quốc tế cân bằng để TQ có tiếng nói lớn hơn trong quá trình ra quyết định. Mặt khác, điều này cũng nhằm giảm bớt giả thuyết về “mối đe dọa TQ” và xây dựng hình ảnh một TQ có trách nhiệm… Tuy nhiên, bằng hành động đơn phương ở biển Đông, TQ đã hành xử chẳng khác gì Mỹ. Chủ nghĩa đơn phương của TQ ở biển Đông cũng làm mất giá trị của đề xuất về “khái niệm an ninh mới” của TQ.
Mỉa mai thay, tại lễ kỷ niệm 30 năm thành lập ASEAN hồi tháng 12-1997, Ngoại trưởng TQ Tiền Kỳ Tham đã từng giải thích “khái niệm an ninh mới” như mô hình hợp tác an ninh của TQ đối lập với mô hình đơn phương bá quyền của Mỹ. Khái niệm này đặt ra các nguyên tắc quan hệ quốc tế dựa trên lòng tin lẫn nhau, cùng có lợi, công bằng và hợp tác.
Sau đó, dựa trên “khái niệm an ninh mới”, đường lối trỗi dậy hòa bình của TQ được thiết lập. Nhưng bây giờ thì đường lối này đã vỡ vụn dưới tác động của các biện pháp đơn phương ở biển Đông. Khi các nhà lãnh đạo TQ nói “gác lại tranh chấp, theo đuổi hợp tác phát triển chung ở biển Đông”, điều này có nghĩa là TQ không muốn giải quyết tranh chấp qua diễn đàn đa phương.
Vậy nên về cơ bản, chủ nghĩa đa phương là trò hề trong chính sách đối ngoại của TQ. Tranh chấp biển Đông là vấn đề chủ quyền mà TQ không cho phép các lực lượng bên ngoài can thiệp. TQ muốn giải quyết vấn đề chủ quyền dựa trên chủ nghĩa dân tộc đang trỗi dậy, thông qua ngụy tạo chứng cứ lịch sử và phô diễn sức mạnh quân sự… TQ đang thể hiện xu hướng đơn phương nhờ sức mạnh ngày càng tăng và quyền lực của Mỹ đang suy giảm.
ABANTI BHATTACHARYA (*) (LÊ LINH lược dịch)
(*) PGS Abanti Bhattacharya làm việc tại khoa nghiên cứu Đông Á thuộc ĐH Delhi (Ấn Độ). Bài viết của ông đăng trên trang web của Viện Phân tích và Nghiên cứu quốc phòng Ấn Độ ngày 31-7.