Trâu dát vàng, nước mắm siêu đắt… hút khách mùa tết

Nhiều món hàng tết cao cấp được tung ra thị trường với mức giá cao ngất ngưởng, thậm chí vượt mức thu nhập trung bình của người Việt Nam nhưng vẫn được săn đón.

Đắt xắt ra miếng

Nước mắm, một sản phẩm truyền thống của người Việt giờ đây được nâng tầm thành hàng cao cấp cho ngày tết. Loại nước mắm này có giá bán rất cao, gần 2 triệu đồng một chai 750 ml.

“Nhiều người nghĩ đây là mức giá quá cao cho một chai nước mắm và sẽ rất khó bán vì vượt quá tầm thu nhập của đại đa số người dân. Tuy nhiên, thực tế chúng tôi làm bao nhiêu cũng không kịp bán” - ông Bùi Đức Hảo, chủ hãng nước mắm Sen, nơi sản xuất loại nước mắm giá 2 triệu đồng/chai, nói.

Định vị là phân khúc cao cấp, tất nhiên chai nước mắm Sen sẽ khác biệt so với một chai nước mắm thông thường. Ví dụ, nhìn bề ngoài chai nước mắm siêu đắt này không khác mấy rượu ngoại cao cấp. Sự sang trọng toát ra từ ngay vỏ hộp được thiết kế khá cầu kỳ với hình hoa sen dát vàng trên nền màu đen.

“Tôi đã đặt rất nhiều công ty trong nước để sản xuất mẫu vỏ chai nhưng cuối cùng phải bỏ hết dù họ đã gửi đến cả trăm mẫu. Nguyên nhân không đạt đúng tiêu chuẩn đặt ra về kiểu dáng, độ hoàn thiện lẫn thẩm mỹ. Cuối cùng tôi quyết định nhập mẫu chai từ nước ngoài về để đóng nước mắm” - ông Hảo nói.

Nước mắm Sen không làm từ cá cơm mà từ con tôm tích. Loại tôm này phải được đánh bắt trên biển vào mùa xuân, thời điểm con tôm ngon nhất và phải còn sống. Sau đó thả nuôi trong đầm một thời gian để vỗ béo và nhả bớt cái mặn trong mình con tôm. Khi con tôm đạt đủ độ chuẩn theo yêu cầu mới đem đi làm nước mắm theo công thức gia truyền.

Không chỉ có nước mắm siêu đắt xuất hiện trên thị trường, Công ty Gốm sứ Minh Long đã lấy cảm hứng từ con trâu để tung ra linh vật đại diện của năm là một món quà năm mới. Theo ông Lý Ngọc Minh, Chủ tịch Công ty Gốm sứ Minh Long, linh vật trâu được chế tác khá kỳ công, được tạo hình chăm chút từng chi tiết một để thể hiện được sự biểu cảm theo chủ đề của năm mới là hạnh phúc, như ý, hưởng lộc, thịnh vượng,…

Sau đó, mẫu linh vật được đưa vào lò nung có nhiệt độ lên đến 1.380 độ C để tạo ra màu sắc kim sa độc đáo cũng như độ cứng, sự chắc chắn. Khâu hoàn thiện cuối cùng là dát vàng 24 K. Chính vì làm kỳ công nên giá lên đến 15 triệu đồng/con.

Thị trường hàng xa xỉ tại Việt Nam vẫn khá ổn định bất chấp dịch bệnh.
Trong ảnh: Khách hàng mua trang sức cao cấp chơi tết. Ảnh: PM

Tham gia vào thị trường quà tết cao cấp còn phải kể đến dòng sản phẩm nhập khẩu. Chẳng hạn, trên thị trường đã có đơn vị nhập khẩu dòng bánh macaron từ Pháp do Công ty Ladurée tạo ra một phiên bản hạn chế cho tết con trâu. Có 42 chiếc bánh macaron phủ chocolate màu vàng và nâu đựng trong một hộp màu đỏ được bán với giá gần 3,5 triệu đồng.

Hãng Chopard còn tung ra chiếc đồng hồ cao cấp được thiết kế riêng cho năm sửu tại thị trường Việt Nam. Toàn bộ chiếc đồng hồ được làm thủ công, đựng trong hộp sơn mài bóng bẩy, kèm theo một con trâu cách điệu cũng bằng sơn mài. Giá bộ quà tặng này lên đến hơn 600 triệu đồng.

Khẳng định giá trị cá nhân

Chuyên gia tài chính Trần Đình Phương nhìn nhận hàng cao cấp luôn quyến rũ mọi người. Bởi vì tâm lý con người muốn được ngưỡng mộ, ngợi khen nên sở hữu những món hàng không nhiều người có thể với đến như là một sự khẳng định ngầm cho một giá trị cá nhân có địa vị và tiền bạc hay dấu nhấn đặc biệt.

“Hàng cao cấp chủ yếu hướng đến một bộ phận khách hàng giàu có nên dù giá có khi cao chót vót vẫn có người mua” - ông Phương phân tích. 

Không thiếu người mua

Thực tế cho thấy để bán được hàng cao cấp trong dịp tết, các ông chủ doanh nghiệp phải tạo ra một câu chuyện đầy tính hấp dẫn, thổi hồn cho nó và phải thật sáng tạo thì giá trị sản phẩm mới được nâng lên rất cao.

Nói về linh vật con trâu, ông Lý Ngọc Minh, Chủ tịch Công ty Gốm sứ Minh Long, cho biết: Năm nay dịch bệnh gây nhiều khó khăn cho cuộc sống và chính điều đó “buộc mình phải siêng năng, cần mẫn, làm việc hết mình như chú trâu”. Do đó, khi tặng món quà linh vật con trâu hàm nghĩa không chỉ một tấm lòng mà còn truyền đi thông điệp đầy ý nghĩa rằng nếu nỗ lực sẽ thành công và được an nhiên hưởng lộc.

“Chúng tôi tạo ra nhiều linh vật trâu đa dạng từ mẫu truyền thống cho đến hiện đại, phá cách. Nhưng ở mỗi linh vật đó đều phải hiện lên được đức tính chú trâu hiền lành, cần mẫn. Chẳng hạn người ta nói tuổi trâu sinh vào cuối năm mới sướng, vì mùa lúa gặt xong con trâu mới được nghỉ ngơi. Do đó chúng tôi có linh vật trâu nằm để mô phỏng suốt một năm làm việc vất vả và giờ đến lúc nghỉ ngơi, nằm nghỉ hưởng thành quả của mình” - ông Minh lý giải.

Đánh giá về thị trường hàng cao cấp cho mùa tết, chuyên gia kinh tế Trần Thanh Hải cho rằng: Nhìn ở góc độ cá nhân, đến tết mọi người có xu hướng tự thưởng cho mình sau một năm làm việc chăm chỉ. Một món quà xa xỉ là thứ xứng đáng để tự “khen ngợi, đo lường thành tựu của bản thân”. Còn xét trong mối quan hệ với đối tác, món quà cao cấp là để đánh dấu mối quan hệ bền chặt giữa hai bên.

Nước mắm siêu đắt 2 triệu đồng/chai.

Hơn nữa, nhiều người Việt hiện đã có mức thu nhập tốt, đặc biệt tầng lớp giàu và siêu giàu đang tăng nhanh. Do đó, việc người dân mua sản phẩm cao cấp có giá vài triệu đến hàng trăm triệu đồng không ít.

Nhưng để bán được giá cao, sản phẩm đó trước hết phải sở hữu thương hiệu được khách hàng định vị là phân khúc cao cấp. “Sản phẩm xa xỉ luôn được mặc định với chất lượng tốt, sự độc đáo và phải hiếm có, không phải là loại được sản xuất hàng loạt. Nếu không thì chẳng ai bỏ số tiền lớn để mua vì chất lượng giữa hàng cao cấp và bình dân nhiều khi không quá cách biệt” - ông Hải bình luận.

Nhu cầu mua hàng cao cấp sẽ tiếp tục tăng cao

Một báo cáo của Công ty nghiên cứu thị trường Savills đánh giá thị trường bán lẻ hàng xa xỉ tại Việt Nam vẫn khá ổn định với nhu cầu nội địa được ghi nhận không sụt giảm quá nhiều. Đặc biệt, các nhà bán lẻ vẫn giữ nhu cầu mạnh mẽ đối với các mặt bằng cao cấp tại các vị trí đắc địa.

Còn theo Công ty nghiên cứu thị trường Statista, dung lượng thị trường hàng xa xỉ tại Việt Nam ước đạt khoảng 974 triệu USD trong năm 2020. Con số này giảm khoảng 6% so với năm 2019 do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Trong doanh thu bán hàng xa xỉ thì đồ da cao cấp chiếm tỉ trọng cao nhất với gần 30%, hàng thời trang chiếm tỉ trọng hơn 25%. Tiếp theo là đồng hồ, trang sức, nước hoa, mỹ phẩm, kính mắt... Dự báo sức tiêu thụ các mặt hàng cao cấp sẽ tăng mạnh trong những năm tới. 


Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

ĐHĐCĐ 2024 Tập đoàn GELEX diễn ra thành công

ĐHĐCĐ năm 2024 Tập đoàn GELEX diễn ra thành công

(PLO)- Sáng 28-3, Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2024 của Công ty cổ phần Tập đoàn GELEX đã diễn ra tại Hà Nội. Với sự đồng thuận và nhất trí cao, Đại hội đã thông qua toàn bộ các báo cáo, tờ trình và nhiều nội dung quan trọng khác.

Giá vàng miếng SJC bất ngờ 'nóng' trở lại

Giá vàng miếng SJC bất ngờ 'nóng' trở lại

(PLO)- Thị trường vàng trong nước có phiên tăng giá thứ hai liên tiếp. Đáng nói là trong khi vàng nhẫn tăng không đáng kể thì vàng miếng SJC lại có bước nhảy vọt, vượt mốc 81 triệu đồng/lượng.

Tranh cãi về đề nghị điều tra chống bán phá giá thép Trung Quốc

Tranh cãi về đề nghị điều tra chống bán phá giá thép Trung Quốc

(PLO)- Hai doanh nghiệp sản xuất thép có thị phần lớn ở Việt Nam đã gửi hồ sơ đến Bộ Công Thương đề nghị điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm thép cán nóng (HRC) có nguồn gốc từ Trung Quốc. Thông tin này gây ra nhiều ý kiến trái chiều trong nội bộ ngành thép.