Ngày 16-10, Sở LĐ-TB&XH TP.HCM đã tổ chức Hội thảo vai trò của các tổ chức tôn giáo trong công tác chăm bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Tham dự có các cơ sở bảo trợ trẻ em do các tổ chức tôn giáo đảm nhiệm.
Bà Phan Thanh Minh (chuyên gia chăm sóc trẻ em) chia sẻ nỗi băn khoăn của bà: “Một lần đi thăm nhà chùa, có em gái được nuôi dưỡng ở đây giấu một cái kẹp rất đẹp khoe với tôi nhưng em nhưng không có tóc dài để kẹp. Tất cả các em đều cạo đầu để chỏm, mặc áo lam. Tôi quan tâm là ở các nơi khác các em có quyền tự do lựa chọn tôn giáo không? Các em có bị bắt buộc ăn chay không?”.
Hội thảo do Sở LĐ-TB&XH tổ chức ngày 16-10
Một chức sắc đạo Cao Đài trao đổi lại, ông là một dược sĩ, ăn chay trường và hoàn toàn khỏe mạnh. Nên theo ông, vấn đề là các cơ sở cần người có kiến thức dinh dưỡng đảm bảo cho các em đủ dinh dưỡng. Việc các em mặc áo lam, cũng như đồng phục mặc ở trường, không gây trở ngại gì cho tâm lý các em.
Một đại diện mái ấm thuộc giáo hội Phật giáo trao đổi lại: “Ở các cơ sở quận 7, các em nhỏ không phải cạo đầu. Các cháu cũng không bị bắt buộc phải ăn chay. Các trẻ được sinh hoạt bình thường như các trẻ bên ngoài. Dù khuyến khích nhưng không trẻ nào bị bắt buộc theo tôn giáo. Chúng tôi tôn trọng quyền của các em và rất tuân thủ Luật Bảo vệ trẻ em”.
Tại hội thảo, các mái ấm của các nhà thờ cũng chia sẻ những khó khăn đề nghị Sở LĐTBXH tháo gỡ. Đó là việc làm giấy khai sinh, nhập hộ khẩu cho trẻ mồ côi, trẻ bị bỏ rơi quá khó. Nhiều em nhỏ trong mái ấm khi đủ 18 tuổi không làm được CMND, không đủ giấy tờ để mua BHYT, để làm hồ sơ đi thi đại học hoặc xin việc.
Được biết các cơ sở tôn giáo ở TP.HCM thời gian qua đã gánh vác việc chăm sóc, bảo trợ trẻ em yếu thế rất tốt. Hầu hết các em trong các cơ sở này được chăm sóc đầy đủ về dinh dưỡng, y tế, giáo dục. Có những mái ấm chú trọng đầu tư giáo dục rất hiệu quả, nâng đỡ nhiều em nhỏ mồ côi đạt thành tích tốt trong học tập, ra đời thành đạt.