Trước đó, hàng chục cơ quan ở Hà Nội cũng bị bêu tên vì chểnh mảng trong thực hiện công vụ đầu năm.
Bệnh chểnh mảng tất nhiên không phải đến bây giờ mới xuất đầu lộ diện mà đã tồn tại từ rất lâu trong cán bộ, công chức, viên chức (trong mắt dân, gọi chung là cán bộ) của ta. Cái cảnh 8 giờ sáng tới mở cửa cơ quan rồi khép để đó đi uống cà phê đến gần hết buổi mới bò vào ghế làm việc, mặc dân chờ đợi có lạ gì. Cái cảnh dân tới đúng theo giấy hẹn, còn cán bộ thì “đúng lúc nào là chuyện của tôi” cũng có lạ gì. Ấy là chưa nói đến mùa lễ hội, cán bộ hồ hởi đi chùa, chè chén khóa cả cửa cơ quan, mặc dân nóng ruột bởi hồ sơ đến hạn, giấy tờ đang cần gấp,… chắc cũng không riêng gì ở Thanh Hóa mới có.
Người viết thử làm một phép tính nhỏ, với trên 3 triệu cán bộ, công chức, viên chức đang hưởng lương ngân sách (chưa kể quân đội và công an) hiện nay, nếu mỗi người chểnh mảng một phút ta mất 3 triệu phút, tương đương với 50.000 giờ, tức khoảng 6.250 ngày làm việc (mỗi ngày tám giờ). Nếu mỗi người chểnh mảng một giờ thì con số ấy thật là khủng khiếp, đối với một quốc gia cần làm việc cật lực hơn như Việt Nam chúng ta.
Không biết có phải vì chẳng thấy luật nào quy định nghiêm cấm hành vi chểnh mảng trong thực hiện công vụ hay không (cả Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức) mà cán bộ nhà ta cứ vô tư chểnh mảng. Có một hành vi duy nhất bị cấm liên quan đến việc chểnh mảng là hành vi trốn tránh trách nhiệm, thoái thác nhiệm vụ được giao (được quy định tại Điều 18 Luật Cán bộ, công chức và Điều 19 Luật Viên chức) nhưng cũng không rõ chểnh mảng có được quy vào hành vi bị cấm này hay không.
Có một điều đáng chú ý là trong dự thảo sáng kiến lập pháp Luật Hành chính công mà đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh có đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa vào chương trình xây dựng luật 2016 gần đây có đề cập sát hơn đối với bệnh chểnh mảng. Cụ thể, tại khoản c Điều 6 dự thảo luật này về những hành vi bị nghiêm cấm đối với cán bộ, công chức, viên chức có hành vi chậm trễ, trì hoãn không thực hiện nhiệm vụ đúng với chức trách được giao. Rất tiếc là sáng kiến lập pháp Luật Hành chính công của bà Khánh và nhiều chuyên gia hành chính tâm huyết xây dựng nên chưa được chấp thuận để chính thức đưa vào chương trình làm luật sắp tới của Quốc hội.
Chểnh mảng, gắn liền với lãng phí, trì trệ - những đối nghịch cần phải loại bỏ trong hội nhập và phát triển. Hành động của người đứng đầu các tỉnh, thành trên, bước đầu là rất đáng hoan nghênh. Nhưng về lâu dài, để trị dứt căn bệnh ấy, không còn cách nào khác là các luật liên quan cần điều chỉnh đối với hành vi này. Và mỗi cán bộ hãy thôi nói mãi cái câu “trách nhiệm với dân, với nước” còn thực tế thì làm việc theo kiểu lờ đờ nước hến như thế!