Triển vọng khởi sắc quan hệ thương mại Mỹ - Trung

(PLO)- Chuyến thăm của Bộ trưởng Bộ Thương mại Mỹ Gina Raimondo đến Trung Quốc được kỳ vọng sẽ giúp hai bên xuống thang căng thẳng và tìm cách đối thoại.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 30-8, Bộ trưởng Bộ Thương mại Mỹ Gina Raimondo đã kết thúc chuyến thăm Trung Quốc (TQ) kéo dài ba ngày. Đây là chuyến thăm mới nhất trong loạt chuyến thăm cấp cao của Mỹ tới TQ vào mùa hè này, trong bối cảnh mối quan hệ song phương đang căng thẳng.

Nhiều vấn đề bàn luận

Trong chuyến thăm vừa qua, bà Raimondo đã có các buổi thảo luận với Thủ tướng TQ Lý Cường, Phó Thủ tướng Hà Lập Phong, Bộ trưởng Bộ Thương mại Vương Văn Đào và Bộ trưởng Bộ Văn hóa và Du lịch Hồ Hòa Bình tại thủ đô Bắc Kinh. Theo đó, hai bên đã thống nhất được một số điểm quan trọng liên quan đến vấn đề thương mại song phương. Theo đài CNBC, các vị quan chức hai nước đã đạt được tiếng nói chung trên nhiều vấn đề mà bộ trưởng Bộ Thương mại Mỹ gọi là “kênh cụ thể để giải quyết các vấn đề thương mại” giữa đôi bên.

Một điểm sáng rõ ràng của chuyến thăm của bà Raimondo là ngay cả khi không có những thỏa thuận thực chất mang tính đột phá, cả hai bên dường như cũng đã nắm bắt được cơ hội để xuống thang căng thẳng và dọn đường cho việc tiếp tục đối thoại thay vì các biện pháp đối phó ăn miếng trả miếng.

Trước hết, hai bên nhất trí thành lập nhóm công tác về các vấn đề thương mại giữa các bộ Thương mại. Các nhóm này sẽ tổ chức họp hai lần mỗi năm ở cấp thứ trưởng và một lần mỗi năm ở cấp bộ trưởng. Lần họp đầu tiên sẽ vào đầu năm 2024, do Mỹ chủ trì. Tiếp đó, hai nước khởi động trao đổi thông tin thực thi kiểm soát xuất khẩu. Theo đài CNBC, cuộc họp trực tiếp đầu tiên đã được tổ chức ở cấp trợ lý thư ký Bộ Thương mại tại Bắc Kinh ngày 29-8 vừa qua.

Bên cạnh đó, các quan chức Mỹ và TQ cũng thống nhất một số điểm nổi bật như: tổ chức Đại hội lãnh đạo du lịch TQ - Mỹ lần thứ 14 tại TQ vào nửa đầu năm 2024; huy động các chuyên gia của cả hai bên để thảo luận chuyên sâu các vấn đề liên quan đến bảo vệ bí mật thương mại trong quá trình cấp phép hành chính; tổ chức các cuộc thảo luận không chính thức thường xuyên khi cần thiết giữa bộ trưởng Thương mại hai nước.

Bên cạnh đó, khi rời Bắc Kinh tới Thượng Hải hôm 29-8, bà Raimondo cho biết nhiều doanh nghiệp Mỹ chia sẻ họ đang đối mặt với nhiều thách thức mới khi đầu tư vào TQ, bao gồm các khoản phạt không lý do, các sửa đổi không rõ ràng đối với luật phản gián và cả nguy cơ doanh nghiệp bị khám xét.

Sau chia sẻ của bà Raimondo, ông Lưu Bằng Vũ, phát ngôn viên Đại sứ quán TQ tại Mỹ, nói rằng hầu hết trong số 70.000 công ty Mỹ đang kinh doanh tại TQ đều muốn ở lại và gần 90% trong số đó đều thu được lợi nhuận, đồng thời nhấn mạnh Bắc Kinh đang nỗ lực để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các công ty nước ngoài tiếp cận thị trường tỉ dân. Theo ông Lưu, “TQ đang tích cực thúc đẩy quá trình mở cửa và nỗ lực cung cấp một môi trường kinh doanh theo định hướng thị trường, đẳng cấp thế giới được quản lý bởi một khuôn khổ pháp lý lành mạnh. TQ sẽ mở rộng cửa hơn nữa với thế giới bên ngoài.

Tuy nêu ra những thách thức khi làm ăn ở TQ mà các doanh nghiệp Mỹ chia sẻ nhưng bà Raimondo khẳng định Washington không muốn tách khỏi Bắc Kinh. Nữ bộ trưởng Thương mại Mỹ nhắn gửi các doanh nghiệp Mỹ tại TQ rằng “hãy tiếp tục làm những gì bạn đang làm, chúng tôi muốn bạn ở đây đầu tư và phát triển”.

Bộ trưởng Bộ Thương mại Mỹ Gina Raimondo (trái) và Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường họp tại Bắc Kinh ngày 29-8. Ảnh: REUTERS

Bộ trưởng Bộ Thương mại Mỹ Gina Raimondo (trái) và Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường họp tại Bắc Kinh ngày 29-8. Ảnh: REUTERS

Quan hệ thương mại Mỹ - Trung sẽ được cải thiện?

Chuyến thăm của bà Raimondo diễn ra trong bối cảnh quan hệ Mỹ - Trung leo thang căng thẳng trong thời gian qua. Gần đây nhất là việc Tổng thống Mỹ Joe Biden hồi đầu tháng này đã ký một sắc lệnh hành pháp nhằm hạn chế đầu tư của Mỹ vào các công ty bán dẫn, điện toán lượng tử và trí tuệ nhân tạo của TQ vì lo ngại an ninh quốc gia. Trước đó, vào năm 2022, Cục Công nghiệp và An ninh của Bộ Thương mại Mỹ cũng đã công bố các biện pháp kiểm soát xuất khẩu nhằm hạn chế khả năng các doanh nghiệp TQ mua các chất bán dẫn tiên tiến từ các nhà cung cấp Mỹ.

Đầu tháng 7 vừa qua, Bộ Thương mại TQ đã công bố các biện pháp kiểm soát xuất khẩu nhằm hạn chế xuất khẩu hai kim loại là gali và gecmani cùng một số hợp chất của chúng từ ngày 1-8 nhằm bảo vệ an ninh và lợi ích quốc gia của TQ. Các kim loại trên được coi là chìa khóa để sản xuất linh kiện bán dẫn và các loại thiết bị điện tử, TQ là nhà sản xuất hầu hết gali và gecmani của thế giới. Trước đó không lâu, chính quyền Bắc Kinh cũng cấm các nhà khai thác cơ sở hạ tầng quan trọng của họ mua các sản phẩm từ Công ty công nghệ chip Micron của Mỹ do lo ngại về an ninh.

Có thể thấy cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung thời gian qua căng thẳng và chuyến thăm của bà Raimondo là hết sức quan trọng. “Đây là chuyến thăm rất quan trọng vì chúng tôi không có cuộc đối thoại thương mại cấp cao tích cực nào” - Đại sứ Mỹ tại TQ Nicholas Burns nói, lưu ý rằng trong 15 tháng đầu tiên ở TQ với tư cách đại sứ, quan chức thương mại Washington và Bắc Kinh không có cuộc thảo luận cấp cao nào với nhau.

Vì lý do đó, theo ông Burns, hai bên đã không có cách nào để trao đổi, lắng nghe và để lý giải cho các quyết định của mình. “Trong một mối quan hệ rất nhiều thách thức như vậy thì ngoại giao chuyên sâu đóng vai trò đặc biệt quan trọng” - ông Burns nói.

Bà Jennifer Welch, chuyên gia địa kinh tế tại hãng tin Bloomberg Economics, nhận định rằng thành tựu chuyến công du của bà Raimondo là tái khởi động đối thoại thương mại giữa hai nước. Theo bà, điều tốt nhất có thể mong đợi là hai bên đã tìm được tiếng nói chung, cùng nhau nỗ lực “hướng tới những cải thiện nhỏ cũng như tránh những rủi ro lớn” trong quan hệ song phương.

Theo tờ South China Morning Post, việc bà Raimondo dành thời gian đến thăm các doanh nghiệp Mỹ ở đại lục cho thấy nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn coi TQ là thị trường tiềm năng và quan trọng. Vì vậy, giới quan sát cũng hy vọng rằng chuyến thăm của bà sẽ tạo động lực tích cực giúp xây dựng nền tảng để ông Biden và Chủ tịch TQ Tập Cận Bình tái thiết lập một số kênh liên lạc giữa hai bên.

Dấu hiệu cuối cùng cho thấy triển vọng cải thiện trong quan hệ song phương là liệu hai nước có tổ chức hội nghị thượng đỉnh song phương hay không và liệu ông Tập có tham dự hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương sắp tới tại Mỹ hay không?•

Chưa hết mâu thuẫn

Dù bà Raimondo đã cố gắng thuyết phục các quan chức Bắc Kinh rằng Mỹ không tìm cách tách khỏi TQ, song đâu đó vẫn còn các mâu thuẫn chưa thể giải quyết được.

Theo hãng tin Reuters, bà Raimondo cũng cho biết bà đã từ chối yêu cầu của Bắc Kinh về việc nới lỏng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu công nghệ của Washington và đảo ngược lệnh hành pháp hạn chế đầu tư của Mỹ vào các công ty TQ liên quan đến phát triển quân sự. “Chúng tôi không đàm phán về các vấn đề an ninh quốc gia” - bà Raimondo khẳng định.

Phần mình, phía TQ cũng kêu gọi Washington thực hiện “các hành động thiết thực và có lợi hơn” để duy trì quan hệ song phương. “Tôn trọng lẫn nhau, chung sống hòa bình và hợp tác cùng có lợi là những cách đúng đắn để TQ và Mỹ hòa hợp. Chúng tôi hy vọng phía Mỹ sẽ hợp tác với TQ để có những hành động thiết thực và có lợi hơn nhằm duy trì và phát triển quan hệ song phương” - Thủ tướng Lý Cường nói với bà Raimondo hôm 29-8, theo hãng thông tấn Tân Hoa Xã.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm