Mối quan hệ giữa Triều Tiên và Hàn Quốc đang ở mức thấp nhất trong nhiều thập niên. Trong thời gian gần đây, Triều Tiên liên tiếp công bố các vụ thử vũ khí mới.
Các động thái của Bình Nhưỡng cho thấy kế hoạch vũ khí-quân sự của Triều Tiên đang ngày càng cứng rắn nhằm đáp trả các hành động "khiêu khích" của Mỹ và đồng minh.
Theo tờ The New York Times, ông Ko Jae-hong – nhà nghiên cứu tại Viện Chiến lược An ninh Quốc gia (Hàn Quốc) dự đoán Triều Tiên có thể sẽ tiếp tục thực hiện các vụ thử nghiệm vũ khí trong thời gian tới.
Tạp chí The Diplomat thì nhận định năm 2024 Triều Tiên có thể tập trung phát triển các vệ tinh trinh sát quân sự nội địa và tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân nhằm tăng cường khả năng quân sự của nước này.
Tăng cường “quá trình chuẩn bị chiến tranh”
Ngày 27-12-2023, trong phiên họp Hội nghị trung ương khóa VIII lần thứ 9 của đảng Lao động Triều Tiên, lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un thông báo về kế hoạch quốc phòng của nước này trong năm 2024.
Theo đó, ông Kim cho biết Bình Nhưỡng sẽ phóng thêm 3 vệ tinh do thám quân sự, tăng sản xuất máy bay không người lái (UAV) mang vũ khí, và tăng chế tạo vũ khí hạt nhân, hãng thông tấn KCNA đưa tin.
Ông Kim chỉ thị cho quân đội, ngành công nghiệp đạn dược, vũ khí hạt nhân và các lĩnh vực phòng thủ dân sự đẩy nhanh quá trình chuẩn bị chiến tranh nhằm đáp trả “các động thái đối đầu” của Mỹ. Mặc dù lãnh đạo Triều Tiên cho biết nước này không mong muốn chiến tranh nhưng khẳng định Bình Nhưỡng không định tránh né nó.
Ông Kim nói thêm việc thống nhất hòa bình bán đảo Triều Tiên là không thể vì Triều Tiên và Hàn Quốc đã trở thành “hai quốc gia thù địch” và chiến tranh có thể “nổ ra bất cứ lúc nào”, theo KCNA.
Thử nghiệm các vũ khí mới
Chỉ trong tháng đầu năm 2024, Triều Tiên đã công bố 3 vụ thử nghiệm vũ khí mới.
Ngày 25-1, Triều Tiên lần đầu tiên phóng thử tên lửa hành trình chiến lược mới mang tên Pulhwasal-3-31, có khả năng trang bị vũ khí hạt nhân. Pulhwasal-3-31 vẫn đang trong giai đoạn phát triển và vụ phóng không gây ra mối đe dọa cho các nước láng giềng, theo KCNA.
KCNA không tiết lộ quãng đường bay của tên lửa.
Ông Yang Uk - nhà phân tích tại Viện nghiên cứu chính sách Asan (Hàn Quốc) - cho biết Triều Tiên đang nỗ lực đa dạng hóa kho vũ khí có khả năng mang hạt nhân của mình để tăng áp lực lên các đối thủ.
Hôm 19-1, Bộ Quốc phòng Triều Tiên tuyên bố nước này thử nghiệm thành công UAV có khả năng mang đầu đạn hạt nhân dưới nước (gọi là hệ thống Haeil-5-23) ở vùng biển ngoài khơi phía đông bán đảo Triều Tiên, theo KCNA.
Tuy nhiên, không rõ Triều Tiên đã thử nghiệm hệ thống này cụ thể vào ngày nào.
Sau các cuộc thử nghiệm hệ thống Haeil vào năm ngoái, KCNA cho biết hệ thống Haeil có thể tạo ra "sóng thần phóng xạ".
Một phát ngôn viên Bộ quốc phòng Triều Tiên nói: “Năng lực đối phó dựa trên vũ khí hạt nhân dưới nước đang được hoàn thiện hơn nữa. Các đòn phản ứng dưới nước của chúng tôi sẽ tiếp tục ngăn chặn các hoạt động quân sự của hải quân Mỹ và các đồng minh".
Hôm 14-1, Triều Tiên tuyên bố thử thành công tên lửa đạn đạo tầm trung (IRBM) nhiên liệu rắn mang đầu đạn siêu thanh. Bình Nhưỡng cho biết loại vũ khí mới này có thể trở thành một trong những vũ khí nhanh nhất và chính xác nhất thế giới, theo KCNA.
KCNA cho biết cuộc thử nghiệm nhằm mục đích "xác minh các đặc tính trượt và cơ động của đầu đạn, cũng như tính chính xác của động cơ nhiên liệu rắn lực đẩy cao nhiều tầng mới được phát triển".
Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc (JCS) cho biết tên lửa đã bay khoảng 1.000 km, trước khi rơi xuống vùng biển ngoài khơi bờ biển phía đông bán đảo Triều Tiên.
Các nhà phân tích quân sự cho rằng tên lửa nhiên liệu rắn dễ vận hành và an toàn hơn, đồng thời cần ít hỗ trợ hậu cần hơn, khiến chúng khó bị phát hiện hơn tên lửa nhiên liệu lỏng. Ngoài ra, IRBM về mặt lý thuyết có thể bay với tốc độ gấp nhiều lần tốc độ âm thanh và rất cơ động khi bay, khiến chúng gần như không thể bị bắn hạ.
Kho vũ khí hóa học và sinh học của Triều Tiên
Theo tạp chí National Interest, Triều Tiên có một kho dự trữ đáng kể vũ khí sinh học và hóa học.
Về vũ khí sinh học, theo thông tin từ National Interest thì Triều Tiên dự trữ các loại virus bệnh than, bệnh đậu mùa và bệnh tả. Chuyên gia Anthony H. Cordesman tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS - Mỹ, nghiên cứu các vấn đề quốc tế) nói rằng Triều Tiên “đã đạt được những bước tiến lớn” trong các lĩnh vực kỹ thuật cần thiết để sản xuất một kho vũ khí sinh học lớn.
Về vũ khí hóa học, National Interest thông tin rằng Triều Tiên sở hữu các chất gây tổn hại thần kinh, gây phồng rộp, chảy máu và nôn mửa. Ước tính Triều Tiên có kho vũ khí hóa học từ 2.500 đến 5.000 tấn. Điều này khiến Triều Tiên trở thành một trong những nước sở hữu vũ khí hóa học lớn nhất thế giới.
Vũ khí hóa học có vai trò tác chiến. Các lực lượng Triều Tiên thường xuyên huấn luyện để hoạt động trong môi trường hóa học. Triều Tiên cũng tự sản xuất các thiết bị bảo vệ hóa học và hệ thống phát hiện các chất hóa học.
Theo National Interest, Triều Tiên có nhiều cách để đưa vũ khí hóa học tới các mục tiêu, từ tên lửa tầm xa đến biệt kích. Triều Tiên có 5.100 bệ phóng tên lửa đa năng và 4.400 khẩu pháo tự hành. Pháo tên lửa từ 122 mm trở lên và pháo dã chiến từ 152 mm trở lên có khả năng bắn đạn hóa học. Phần lớn pháo binh của Bình Nhưỡng có khả năng thực hiện các cuộc tấn công hóa học.
Ngoài ra, các chất hóa học có thể được vận chuyển bằng tàu ngầm hoặc máy bay không người lái (UAV). Triều Tiên thậm chí có thể sử dụng các hệ thống đường hầm để tiến hành các cuộc tấn công hóa học.
Triều Tiên không đưa ra bình luận về những thông tin trên.
Lực lượng đặc nhiệm Triều Tiên
Triều Tiên có lực lượng quân đội đông đảo với 1,3 triệu binh sĩ đang tại ngũ, trong đó có một lực lượng đặc nhiệm bao gồm 200.000 binh sĩ, theo National Interest.
Lực lượng đặc nhiệm Triều Tiên có 5 nhiệm vụ chính: trinh sát, thực hiện các hoạt động chiến đấu kết hợp với các hoạt động thông thường, thiết lập mặt trận thứ hai ở hậu phương đối thủ, chống lại lực lượng hoạt động đặc biệt của kẻ thù ở hậu phương, và duy trì an ninh nội bộ.
Lực lượng đặc nhiệm được chia thành nhiều lữ đoàn bộ binh hạng nhẹ và bắn tỉa, phân bổ khắp Bộ binh, Hải quân, Không quân và Tổng cục Trinh sát Triều Tiên.
Các chuyên gia nhận định nếu xung đột nổ ra trên bán đảo Triều Tiên, Triều Tiên sẽ huy động toàn bộ lực lượng đặc nhiệm của mình để tận dụng khả năng bất đối xứng của họ trước đối thủ sở hữu lực lượng thông thường mạnh hơn.
Lực lượng đặc nhiệm có thể nhắm mục tiêu vào các khu vực phía sau chiến tuyến, có thể thọc sâu trong lãnh thổ đối phương, cũng như nhắm vào cơ sở hạ tầng và nhân sự của đối phương.
Mỹ-Hàn nói gì?
Trong bài phát biểu đầu năm 2024, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol cho biết nước này sẽ tăng cường khả năng tấn công phủ đầu, phòng thủ tên lửa và sức mạnh quân sự để đối phó với mối đe dọa hạt nhân Triều Tiên, theo hãng thông tấn Yonhap.
Các chuyên gia và quan chức Hàn Quốc nhận định những nỗ lực phát triển vũ khí của Triều Tiên có thể khiến nền kinh tế nước này càng thêm tê liệt. Bên cạnh đó, Triều Tiên đang bị áp các lệnh trừng phạt của Mỹ.
Theo tờ The New York Times hôm 25-1, các quan chức Mỹ nhận định những động thái mới của Triều Tiên có phần cứng rắn hơn nhưng chưa phát hiện dấu hiệu cụ thể nào cho thấy Triều Tiên đang chuẩn bị một cuộc chiến tranh lớn.