Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Yomiuri Shimbun (Nhật) hôm 29-10, Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg từng nói rằng: “Chúng tôi phải thừa nhận châu Âu hiện cũng nằm trong tầm ngắm của tên lửa Triều Tiên và các nước thành viên NATO đang trong thế nguy hiểm”.
Ngày 8-11, tờ Rodong Sinmun đã ra một bài viết phản pháo lại tuyên bố này. Tờ báo Triều Tiên gọi phát ngôn của ông Stoltenberg là “sai và không có căn cứ”. Rodong Sinmun lý giải mặc dù các quốc gia châu Âu hiện nằm trong tầm ngắm của tên lửa Triều Tiên nhưng Bình Nhưỡng không có ý định gây nguy hiểm cho khu vực này như người đứng đầu NATO tuyên bố.
Ảnh của hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA hôm 5-7 cho thấy lãnh đạo Triều Tiên thị sát địa điểm chứa tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Hwasong-14. Ảnh: KCNA
“Các tên lửa đạn đạo của CHDCND Triều Tiên là để dùng ngăn chặn chiến tranh hạt nhân với Mỹ và đảm bảo hòa bình cùng an ninh trên bán đảo Triều Tiên và khu vực. Chúng không được dùng để đe dọa châu Âu và thế giới”-Rodong Sinmun viết.
Tờ báo nói rằng Triều Tiên hiện không phải là quốc gia duy nhất trên Trái đất có sở hữu tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM). “Nếu những gì ông Stoltenberg nói là đúng thì tất cả quốc gia sở hữu ICBM và có tầm bắn bao trùm châu Âu về bản chất đều là mối đe dọa đối với châu Âu” - Rodong Sinmun phản pháo.
Cũng trong ngày 8-11, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg đã nhấn mạnh vai trò đặc biệt vủa Nga và Trung Quốc trong việc tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng Triều Tiên. “Triều Tiên phải có trách nhiệm cho các hành vi coi thường và tắc trách khi phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa” - người đứng đầu NATO nói.
Nga thường là mục tiêu chỉ trích về phát ngôn của NATO, vì vậy việc tổ chức này đưa ra các bình luận chỉ trích Triều Tiên được xem là khá hiếm, hãng tin Reuters bình luận. Triều Tiên từ lâu khẳng định nước này phát triển tên lửa đạn đạo và vũ khí hạt nhân là để ngăn Mỹ phát động chiến tranh. Tuy nhiên, Mỹ cùng các đồng minh không chấp nhận lý do này và yêu cầu Bình Nhưỡng phải ngừng phát triển kho hạt nhân của mình.