Phát biểu tại một hội nghị về không phổ biến hạt nhân ở Moscow (Nga) hôm 20-6, bà Choe Son-hui, Giám đốc bộ phận Bắc Mỹ của Bộ Ngoại giao Triều Tiên, nói rằng Bình Nhưỡng đang bước đến gần bằng tiềm năng hạt nhân của Washington, theo Sputnik.
“Mục tiêu cuối cùng của chúng tôi là đạt được thế cân bằng với Mỹ, vì vậy họ không dám bàn về bất kỳ hành động quân sự nào chống lại Triều Tiên” - bà Choe nói.
Bà Choe thêm rằng khả năng về vũ khí hạt nhân là vấn đề “sống còn” đối với Bình Nhưỡng, rằng nước này không có kế hoạch đàm phán với Washington về tình trạng hạt nhân.
Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa Hwasong-14 hôm 29-7. Ảnh: REUTERS
“Tình hình hiện tại khiến chúng tôi càng hiểu ra rằng chúng tôi cần vũ khí hạt nhân để đối phó một cuộc tấn công tiềm năng” - bà Choe nhấn mạnh, thêm rằng Triều Tiên sống dưới “mối đe dọa hạt nhân thường xuyên từ Mỹ”. Nhà ngoại giao Triều Tiên nói rằng Mỹ là nước duy nhất trở thành mục tiêu của năng lực hạt nhân Triều Tiên.
Đánh giá về các bình luận của bà Choe, Evgeny Kim, nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Khoa học về nghiên cứu Triều Tiên của Học viện Nga, cho hay Bình Nhưỡng có thể đang cường điệu hóa khi tuyên bố nước này gần đạt đến thế cân bằng trong tiềm lực quân sự với Mỹ, rằng nước này có thể gây thiệt hại nặng cho siêu cường này trong trường hợp chiến tranh.
“Chắc chắn có sự cường điệu ở đây, bởi lẽ Triều Tiên không thể đạt được thế cân bằng với công nghệ tên lửa được trang bị hạt nhân của Mỹ, kể cả bây giờ và trong thập niên tới. Thứ nhất, họ không có các loại phương tiện vận chuyển như của Mỹ... Thứ hai, họ không có nhiều đầu đạn hạt nhân bằng Mỹ. Triều Tiên đã từng thử nghiệm đầu đạn hạt nhân song chúng không được sản xuất hàng loạt. Họ sẽ có thể bắt đầu sản xuất hàng loạt đầu đạn hạt nhân vào lúc nào đó trong hai hoặc ba năm tới” - ông Kim bình luận.
Tuy nhiên, ông Kim cho rằng Triều Tiên có khả năng gây thiệt hại cho sức mạnh quân sự của Mỹ. Ông nói: “Ví dụ, nhóm tàu chiến do tàu sân bay USS Ronald Reagan dẫn đầu đóng quân tại biển Nhật Bản. Triều Tiên có thể sử dụng mọi khả năng trong công nghệ tên lửa của nước này để phá hủy tàu sân bay này. Trong trường hợp này, Bình Nhưỡng có lý khi nói rằng họ có khả năng giáng đòn Mỹ”.
Căng thẳng giữa Mỹ và Triều Tiên leo thang trở lại trong tuần này trong bối cảnh Mỹ-Hàn tập trận chung ở phía Đông bán đảo Triều Tiên. Ngoài ra, trong tuần này, Giám đốc Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) Mike Pompeo đã có phát ngôn bất ngờ về cái chết tiềm năng hoặc sự biến mất đột ngột của lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ông Pompeo cho hay Washington phải chuẩn bị khả năng Triều Tiên chỉ còn vài tháng nữa là đạt được năng lực công nghệ để tiến hành một cuộc tấn công hạt nhân nhằm vào lãnh thổ Mỹ.
“Tất cả chúng ta muốn giải quyết vấn đề này” - ông Pompeo nói song thêm rằng Washington đã chuẩn bị sử dụng vũ lực, nếu cần thiết, để đảm bảo Bình Nhưỡng “không có khả năng đưa Mỹ vào nguy hiểm”.
Khi được yêu cầu bình luận về ý nghĩa của những tuyên bố trên của ông Pompeo, nhà phân tích chính trị đồng thời là chuyên gia về châu Á-Thái Bình Dương Vladimir Terekhov cho rằng Mỹ thường xuyên đưa ra những tuyên bố cứng rắn chỉ là một phần trong chiến lược gây sức ép lên Trung Quốc của nước này.
“Tôi không nghĩ có điều gì nghiêm trọng sẽ xảy ra trước khi Tổng thống Trump đến thăm Bắc Kinh vào ngày 8-11 tới. Nhưng bằng cách này, tự thân tuyên bố của ông Pompeo lại là một kiểu chuẩn bị cho chuyến thăm giống như một yếu tố gây sức ép lên Bắc Kinh” - ông nói.
Tuy vậy, ông Terekhov cũng cảnh báo về một kịch bản Mỹ tìm cách sử dụng vũ lực đối với Bình Nhưỡng. Nga và Trung Quốc đã kêu gọi Triều Tiên chấm dứt thử hạt nhân và phóng tên lửa, yêu cầu Hàn Quốc và Mỹ kiềm chế, không nên tiến hành tập trận trong khu vực. Cả hai bên đến nay đều phớt lờ lời kêu gọi và tiếp tục có những hành động khiêu khích lẫn nhau.