Triều Tiên hôm 4-12 đã đả kích Tổng thống Mỹ Donald Trump vì đã ám chỉ việc sử dụng vũ lực chống lại nước này, nói rằng họ cũng sẽ có biện pháp "kịp thời" nếu cần thiết, hãng thông tấn Yonhap đưa tin.
“Một điều tôi muốn nói rõ đó là việc sử dụng lực lượng vũ trang không phải là đặc quyền riêng của Mỹ" - hãng thông tấn nhà nước Triều Tiên (KCNA) dẫn tuyên bố của ông Pak Jong Chon, Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Triều Tiên, hôm 4-12 cho biết.
Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Triều Tiên hôm nay, 4-12 tuyên bố rằng không chỉ riêng Mỹ mới có đặc quyền dùng lực lượng vũ trang. Ảnh: AP
“Bất cứ ai cũng có thể đoán được Triều Tiên sẽ đáp trả như thế nào nếu Mỹ có hành động quân sự chống lại Triều Tiên” - ông Pak cho biết thêm.
Tuyên bố của Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Triều Tiên được đưa ra không lâu sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo rằng Mỹ có thể sử dụng vũ lực với Triều Tiên nếu cần thiết.
“Hiện tại chúng tôi có lực lượng quân sự mạnh nhất từ trước đến nay và chúng tôi hiện tại vẫn là nước mạnh nhất thế giới. Hy vọng rằng chúng tôi sẽ không phải sử dụng sức mạnh đó nhưng nếu chúng tôi muốn, chúng tôi sẽ làm" - ông Trump nói khi đang dự hội nghị thượng đỉnh NATO ở Anh.
Quan chức Triều Tiên cho biết nhà lãnh đạo Kim Jong-un “không hài lòng” khi nghe phát ngôn mới nhất của Tổng thống Trump, đồng thời khẳng định điều duy nhất để ngăn chặn một cuộc xung đột “nóng” giữa hai nước là mối quan hệ gần gũi giữa hai nhà lãnh đạo.
“Tôi nghĩ sự bảo đảm duy nhất để ngăn chặn một cuộc xung đột làm bùng nổ mối quan hệ giữa Triều Tiên và Mỹ, bất chấp sự căng thẳng nguy hiểm về quân sự giữa hai nước, là mối quan hệ gần gũi giữa các nhà lãnh đạo cấp cao của Triều Tiên và Mỹ” - ông Pak cho biết.
Tổng thống Trump ngày 3-12 cũng khẳng định ông “có mối quan hệ cá nhân rất tốt” với nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Ông chủ Nhà Trắng cho rằng nếu không nhờ ông hóa giải căng thẳng, thế giới có lẽ đã xảy ra một cuộc chiến tranh.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cưỡi ngựa trắng thăm các chiến trường xưa trên núi thiêng Paektu ở Ryanggang, Triều Tiên. Ảnh: KCNA
Trước đó, hôm 3-12, Triều Tiên một lần nữa nhắc nhở chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump về thời hạn đàm phán hạt nhân Mỹ-Triều đang tới gần. Một nhà ngoại giao cấp cao của Triều Tiên đã tuyên bố, chính Mỹ là người có toàn bộ quyền lựa chọn việc "món quà Giáng sinh" nhận được từ Triều Tiên là gì.
"Triều Tiên không cần thiết phải che giấu những gì sẽ được tiến hành từ giờ trở đi và vì vậy, chúng tôi nhắc nhở Mỹ một lần nữa rằng thời hạn cuối năm nay đang đến ngày càng gần" - hãng thông tấn KCNA dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Ri Thae Song khẳng định.
Trước đó, các quan chức Bình Nhưỡng nhiều lần đổ lỗi cho Washington về tình trạng bế tắc trong quá trình đàm phán phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
Các cuộc đàm phán đã bị tạm ngưng từ sau hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai giữa nguyên thủ hai nước diễn ra ở Hà Nội hồi tháng 2 năm nay, sau khi hai bên không giải quyết được bất đồng trong cách thức tiến hành phi hạt nhân hóa và dỡ bỏ cấm vận đối với Bình Nhưỡng.
Các cuộc đàm phán cấp chuyên viên cũng đã diễn ra ở Thụy Điển vào tháng 10 nhưng không thành công. Triều Tiên tuyên bố đàm phán thất bại là do Mỹ vẫn giữ "lập trường và thái độ cũ".
Trong vài tháng gần đây, Triều Tiên đã tiến hành một loạt vụ thử tên lửa nhiên liệu rắn. Các chuyên gia cho rằng những vũ khí này có thể nâng cao năng lực tấn công của Bình Nhưỡng nhắm vào Hàn Quốc và Nhật Bản.
Triều Tiên cũng đe dọa sẽ dỡ bỏ lệnh cấm thử tên lửa tầm xa và thử hạt nhân mà Bình Nhưỡng tự đặt ra cho mình, cũng như nối lại việc phóng tên lửa hướng về phía Nhật Bản.
Trước đó, vào tháng 7-2017, Triều Tiên đã phóng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa đầu tiên của mình và gọi đó là một "gói quà tặng" nhân dịp Quốc khánh nước Mỹ.
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un hôm 4-12 cũng đã cưỡi bạch mã thăm núi thiêng Paektu. Đây là lần thứ hai kể từ tháng 10, ông Kim thăm núi Paektu, cho thấy ông có thể sớm đưa ra một tuyên bố chính sách quan trọng. Trong quá khứ, ông từng đến ngọn núi được xem là linh thiêng với người dân bán đảo Triều Tiên trước mỗi quyết định chính trị hoặc ngoại giao lớn. |