Trong vụ án Dominique Strauss-Kahn, ai bảo vệ cho cô hầu phòng?

Tại quận Manhattan có một đơn vị gọi là "Sex Crimes Unit" (Đơn vị Điều tra tội phạm tình dục) gồm 50 thẩm phán, một nửa trong số đó là nữ. Trong đêm 14/5/2011, John "Artie" McConnell đang trực trong đơn vị thì nhận được điện thoại của cảnh sát cho biết họ đang giữ một kẻ tình nghi xâm hại tình dục tên là Dominique Strauss-Kahn.

Sự tình cờ đó có lẽ đã quyết định cho sự nghiệp của "Artie", một trợ lý thẩm phán khoảng 30 tuổi gốc gác ở Virginia. Thế là ông thụ lý hồ sơ cáo buộc nổi đình đám nhất trong tháng 5 này, đối mặt với một trong những nhóm luật sư tài ba nhất nước Mỹ. Liệu vị quan tòa tốt nghiệp đại học luật George Washington đó có là một đối trọng đáng gờm không?

Trong vụ án Dominique Strauss-Kahn, ai bảo vệ cho cô hầu phòng? ảnh 1

Nữ Giám đốc Lisa Friel đứng đầu Đơn vị Điều tra tội phạm tình dục.

Để xóa đi mọi sự thiếu tin tưởng, trong phiên tòa ngày 19/5 đã xuất hiện và chính cấp trên trực tiếp của ông là bà thẩm phán Lisa Friel, người đứng đầu "Sex Crimes Unit" từ năm 2002, ngồi bên cạnh ông. Sự hiện diện của người phụ nữ nhỏ bé với mái tóc dài màu hạt dẻ đó đủ là một lời tuyên chiến với các luật sư bên bị, hứa hẹn một cuộc tấn công của các biện lý dưới quyền bà vốn nổi danh là những quan tòa tài ba và kiên quyết nhất nước Mỹ.

"Sex Crimes Unit" không giàu có gì. Dãy phòng 666 của đơn vị nằm ở tầng 5 của tòa án tọa lạc tại số 100 Centre Street phía nam Manhattan chỉ là những văn phòng nhỏ bé, tầm thường, bề bộn những tủ hồ sơ và máy vi tính. Ở đấy có khoảng 50 quan tòa làm việc bù đầu nhưng không hề giống như trong các chương trình trên TV như "New York - Cảnh sát tư pháp" hay "New York - Đơn vị đặc biệt". Nhưng danh tiếng của đơn vị đã lôi cuốn những bộ óc thông minh nhất trong thế giới tư pháp ở New York.

Matthew Galluzzo, cựu thành viên của đơn vị giờ đã chuyển ra làm tư nhân, đưa ra nhận định: "Phải có trái tim đối với các nạn nhân, một sự tỉ mỉ trong việc tái dựng sự việc và giám định đồng thời có cả năng khiếu về xử án". Vì sao thế? Bởi vì các tội phạm tình dục rất khó chứng minh với bồi thẩm đoàn.

Trong 80% trường hợp thủ phạm và nạn nhân có biết nhau. Vì vậy phải chứng minh trước tòa là không có sự thuận tình và đưa ra những chứng cứ sử dụng vũ lực. "Lúc ấy người ta bước vào vùng mơ hồ khi nạn nhân do nhút nhát hay quên nên không nhắc đến tình trạng say rượu hay say ma túy của mình lúc xảy ra vụ việc. Có rất nhiều yếu tố làm phức tạp thêm việc tiếp cận sự thật". Đôi khi cũng có những lời dối trá trắng trợn. "Nghi can có thể vô tội. Và chính sự nhầm lẫn là nỗi ám ảnh của chúng tôi" - Galluzzo giải thích.

Trên tường văn phòng của Sex Crimes Unit treo đầy ảnh của các em bé bên cạnh hình của những kẻ tình nghi, điều này khiến người ta nhớ lại rằng, một nửa số thành viên của đơn vị này là phụ nữ. Một ngoại lệ đáng chú ý tại New York. "Đó là những luật gia chuyên nghiệp chấp nhận ở lại tuy mức lương rất thấp thay vì ra làm tư. Họ đã tìm được một lý tưởng và sự đồng cảm để biến thành ưu thế nghề nghiệp" - Natasha thán phục nói.

Là nạn nhân của một vụ cưỡng dâm năm 1993, cô nhớ lại lúc kể chi tiết về nỗi đau khổ cho bà thẩm phán Melissa Mourges. "Bà ấy không chút màu mè hay tỏ ra thương hại, nhưng tôi biết bà sẽ ở về phía tôi". Đến năm 2007, tức 14 năm sau, Natasha nhận được một cuộc gọi của Mourges. Một tên tội phạm vừa bị bắt về tội mang vũ khí nhưng ADN của hắn trùng khớp với ADN của kẻ đã cưỡng dâm Natasha được lưu trong hồ sơ quốc gia. Thế là cuối cùng người ta đã tóm được hắn.

Đơn vị của những người thực thi công lý đó được thành lập từ năm 1974 nhờ ngài biện lý huyền thoại Robert Morgenthau (ông nghỉ hưu năm 2009 ở tuổi 91) và công gây dựng của vị giám đốc đầu tiên, Linda Fairstein nhậm chức vào năm 1976. "Vào thời đó một đơn thưa về xâm hại tình dục chỉ được thụ lý khi có một nhân chứng thứ 3 có thể xác nhận điều đó. Kết quả là trên 1.000 vụ xảy ra năm đó tại Manhattan, chỉ có 18 vụ bị kết án" - bà Lisa Friel nhớ lại.

“Diva” chống tội phạm Linda Fairstein đã được chứng kiến sự ra đời của những đạo luật mới làm cách mạng cho công việc của các biện lý. Việc bãi bỏ nhân chứng thứ 3 vào cuối thập niên 70 thế kỷ XX và các đạo luật cấm phổ biến danh tính nạn nhân cũng như kể lại cuộc sống tình dục trong quá khứ của họ với bồi thẩm đoàn đã giúp nạn nhân không còn e ngại, từ đó các đơn kiện và bản án đã gia tăng.

Lisa Friel, cựu trợ lý của Fairstein đã được thăng lên giám đốc từ 10 năm nay, có thể tự hào về bức ảnh của bà đăng trên trang bìa tạp chí đại học Dartmouth College được trưng trên bàn làm việc với dòng tít: "Luật sư của các nạn nhân". Bà góa phụ 50 tuổi, mẹ của 3 người con vẫn đều đặn tập thể dục 5 giờ mỗi tuần, luôn biết duy trì một không khí bình dị và thân thiện trong dãy phòng 666, nơi một nhân viên tập sự xoàng xĩnh cũng được mời dùng điểm tâm nhẹ trong phòng họp.

Nhưng trong công việc bà rất chặt chẽ. Thật không may cho viên cảnh sát nào không coi trọng việc điều tra vụ án xâm hại tình dục. Và những người bênh vực cho bị cáo trong vụ án DSK cũng biết họ sẽ phải đối mặt với ai.

Theo Minh Luân (ANTG/L'Express)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm