Ngày 30-12, Tổng thống đắc cử Donald Trump hoan nghênh Tổng thống Nga Vladimir Putin đã kiềm chế không trả đũa, trục xuất các nhà ngoại giao Mỹ, Reuters cho biết.
Ngày 29-12, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã ra sắc lệnh hành pháp trục xuất 35 nhà ngoại giao Nga có khả năng là điệp viên Nga. Tổng cộng sẽ có 96 công dân Nga phải rời khỏi Mỹ, bao gồm 35 nhà ngoại giao và người thân. Ông Obama cũng tuyên bố trừng phạt nhiều cá nhân và cơ quan Nga vì cáo buộc Nga tấn công mạng, can thiệp bầu cử Mỹ. Ngoài ra Mỹ còn đóng cửa hai khu phức hợp của Nga tại Mỹ được cho là tiếp tay cho hoạt động tình báo của Nga.
Ông Trump (phải) khen ông Putin (trái ) thông minh khi không trục xuất nhà ngoại giao Mỹ. Ảnh: AP
Trong ngày 30-12, Tổng thống Putin tuyên bố ông sẽ không trục xuất 35 nhà ngoại giao Mỹ, ít nhất đến khi ông Trump nhậm chức ngày 20-1-2017. “Chúng ta sẽ không trục xuất ai cả. Các bước đi tiến tới khôi phục quan hệ Nga-Mỹ sẽ được xây dựng dựa trên nền tảng chính sách mà chính phủ Tổng thống Donald Trump sẽ thực hiện”, theo Tổng thống Putin.
“Bước đi trì hoãn này thật ý nghĩa. Tôi luôn biết ông ấy rất thông minh!”, ông Trump viết trên Twitter. Ông Trump trước nay luôn bác bỏ cáo buộc từ CIA và các cơ quan tình báo rằng Nga đứng đằng sau các cuộc tấn công mạng, can thiệp bầu cử Mỹ. Ông Trump cũng thường xuyên khen Tổng thống Putin và đề cử nhiều cá nhân có quan điểm thân thiện với Nga vào các vị trí nội các. Tuy nhiên theo Reuters, điều này chưa khẳng định được ông Trump liệu có sẽ thay đổi sắc lệnh trừng phạt Nga của Tổng thống Obama vừa rồi hay không.
Một quan chức cấp cao Mỹ cho rằng ông Trump sẽ thay đổi sắc lệnh này của Tổng thống Obama, tuy nhiên đó không phải là bước đi khôn ngoan. Theo Reuters, một khi ông Trump tìm cách hàn gắn quan hệ với Nga ông có thể sẽ gặp phải sự kháng cự từ Quốc hội, nơi đảng Cộng hòa đang chiếm đa số.
Ngày 30-12, nghị sĩ Cộng hòa John McCain, Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện nói rằng Nga cần phải bị trừng phạt vì tấn công mạng, và Mỹ có thể áp nhiều trừng phạt lên Nga. “Khi quý vị tấn công một đất nước, đó là một hành động chiến tranh. Và chúng ta cần chắc rằng việc này cần phải trả giá, để buộc người Nga chấm dứt hành động tấn công vào những điều cơ bản của nền dân chủ chúng ta”, nghị sĩ McCain nói trong cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình 1+1 của Ukraine khi đang trong chuyến thăm Kiev.
Bên cạnh nghị sĩ McCain, nhiều nghị sĩ cả Cộng hòa lẫn Dân chủ đều đề nghị cứng rắn với Nga. Ngoài ra theo nhà phân tích tình báo cấp cao Mỹ Eugene Rumer, Giám đốc Chương trình Nga và Á Âu tại Viện chính sách Carnegie (Mỹ), để thay đổi một sắc lệnh được thông qua dựa trên kết luận chung, được nhất trí cao giữa các cơ quan tình báo Mỹ là một chuyện rất khó khăn.
Tuy nhiên ông Rumer cho rằng, những cản trở này sẽ không ngăn được ông Trump cải thiện quan hệ với Nga. Theo ông “Nếu ông Trump muốn bắt đầu làm mới quan hệ, tôi không nghĩ ông ta cần thu hồi các đòn trừng phạt. Ông ta có thể chỉ cần nói đó là quyết định của ông Obama”.