Mỹ dạo gần đây liên tục tuyên bố mình đã mất kiên nhẫn với Triều Tiên. Mới đây nhất tại Hàn Quốc, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence còn khẳng định sự “kiên nhẫn chiến lược” của Mỹ với Triều Tiên đã kết thúc, cảnh cáo Triều Tiên đừng thử Tổng thống Donald Trump.
Về phần mình, Triều Tiên đã vô số lần thử tên lửa, đang tích cực phát triển tên lửa đạn đạo xuyên lục địa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân bay đến đất Mỹ. Triều Tiên cũng năm lần thử hạt nhân và theo dự báo thì sắp thử thêm lần thứ sáu trong khoảng một tuần tới. Vậy thật sự Mỹ có thể làm gì để ngăn chặn được tham vọng hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên?
Theo Reuters, ông Trump không có nhiều lựa chọn trong giải quyết thách thức Triều Tiên. Các lựa chọn này có thể nói gói gọn trong bốn khả năng: Trừng phạt kinh tế, bí mật hành động, thương lượng ngoại giao, tấn công quân sự.
Không nhiều lựa chọn
Về trừng phạt kinh tế, hàng loạt lệnh trừng phạt nặng nề lâu nay không buộc được Triều Tiên từ bỏ các chương trình tên lửa, hạt nhân của mình. Một báo cáo của Quốc hội Mỹ năm 2016 từng công nhận: Hầu hết các nhà phân tích đều đồng ý các lệnh trừng phạt vô hiệu với Triều Tiên.
Về bí mật hành động, Mỹ từng với sự phụ giúp của Israel đã từng kéo lùi tạm thời chương trình hạt nhân Iran nhờ một virus máy tính có tên Stuxnet, đã phá hủy hàng ngàn thiết bị ly tâm Iran cùng làm giàu uranium. Mỹ từng cố gắng dùng một phiên bản virus Stuxnet tấn công chương trình vũ khí hạt nhân Triều Tiên trong thời gian 2009-2010 nhưng không thành. Tỉ lệ thử tên lửa thất bại khá cao của Triều Tiên dẫn tới đồn đoán có khả năng Mỹ đã dùng công nghệ chiến tranh điện tử để can thiệp, phá hoại các vụ thử này nhưng chưa có gì chắc chắn.
Binh sĩ Triều Tiên trong cuộc diễu binh ngày 15-4. Ảnh: AP
Về thương lượng ngoại giao, đàm phán chính thức giữa Mỹ và Triều Tiên đã ngắt quãng bảy năm và chưa có dấu hiệu nối lại. Chính phủ Trump đến giờ vẫn chưa đề cập khả năng này dù Trung Quốc tuần trước có kêu gọi.
Về khả năng tấn công quân sự, theo Reuters hầu như không có, vì sẽ rủi ro cực nghiêm trọng lên đồng minh Hàn Quốc.
Tưởng tượng khả năng Mỹ tấn công phủ đầu các cơ sở hạt nhân và tên lửa Triều Tiên và nước này có hành động quân sự trả đũa. Không khó hình dung thiệt hại sẽ vô cùng lớn và phức tạp mà Mỹ sẽ khó mà gánh nổi, khi thủ đô Seoul của Hàn Quốc nằm trong tầm bắn của vô số tên lửa Triều Tiên triển khai dọc biên giới, chưa kể đến hàng ngàn binh sĩ Mỹ đóng dọc biên giới Triều Tiên.
“20 triệu dân Hàn Quốc đang nằm trong tầm bắn tên lửa Triều Tiên” - theo ông Chriss Hill, đặc phái viên Triều Tiên của Mỹ dưới thời Tổng thống George W. Bush.
Nên đành phải kiên nhẫn
Vì vậy theo CNN, không khó hiểu đằng sau những phát ngôn cứng rắn bề nổi về Triều Tiên, nhiều quan chức Mỹ vẫn đang có thái độ rất thận trọng và phần nào đồng cảm với chiến lược của các chính phủ Mỹ trước với Triều Tiên.
“Nói về giải pháp quân sự nghe có vẻ tốt nhưng thực tế nó rất, rất nguy hiểm” - ông Anthony Blinken - cựu Thứ trưởng Ngoại giao chính phủ Obama nhận định với CNN ngày 17-4.
“Chúng tôi chắc chắn không tìm kiếm xung đột hay thay đổi thể chế Triều Tiên” - bà Susan Thornton, quyền Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương nói với báo chí ngày 17-4. Thay nói về khả năng tấn công quân sự phủ đầu, bà Thornton thậm chí còn nói đến sự cần thiết phải “kiên nhẫn”.
“Mỹ đã có một quyết định - có từ sự thống nhất với tất cả đồng minh và đối tác về vấn đề này, rằng sẽ tối đa hóa áp lực, đặc biệt áp lực kinh tế lên Triều Tiên, cố gắng đạt được những bước đi hữu hình trong kiềm chế các chương trình trái phép của Triều Tiên. Chúng ta phải kiên định với điều này, phải kiên nhẫn”.
Vì không nhiều lựa chọn nên ông Trump sẽ phải kiên nhẫn với Triều Tiên. Ảnh: GETTY IMAGES
Một quan chức cấp cao khác của chính phủ Trump, Phó Cố vấn An ninh Quốc gia KT McFarland cũng đề cập đến sự kiên nhẫn.
“Thời điểm này, chúng ta phải chờ xem thôi. Chúng ta nên theo đuổi gia tăng áp lực về kinh tế và ngoại giao mà Mỹ và các đồng minh có thể làm được. Chúng ta cũng nên tạo cơ hội cho Chủ tịch Trung Quốc” - theo bà McFarland.
Có vẻ các quan chức chính phủ Mỹ đang đặt nhiều hy vọng vào phương án tăng áp lực quốc tế buộc Triều Tiên giải trừ hạt nhân, đặt cược nhiều vào Trung Quốc. Quan hệ Mỹ-Trung dạo gần đây có vẻ ấm áp hơn chuyến thăm Mỹ và cuộc gặp Tổng thống Trump của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Tuy nhiên, theo CNN sự ấm áp đó chưa đủ đảm bảo Trung Quốc sẽ thật sự xuống tay khiến Triều Tiên nghe lời Mỹ.