Căng thẳng ngoại mới giữa Trung Quốc (TQ) và Ấn Độ bùng nổ sau khi hai nước cáo buộc lẫn nhau về việc gây ra những khó khăn về thị thực cho các nhà báo của họ đang hoạt động ở Bắc Kinh và New Delhi, hãng Reuters đưa tin vào ngày 6-4.
Trung-Ấn căng thẳng ngoại giao vụ cấp thị thực cho nhà báo. Ảnh: AFP |
Trong tuần này, truyền thông Ấn Độ đưa tin phía TQ đã đình chỉ thị thực của hai nhà báo Ấn Độ làm việc tại Bắc Kinh. Theo đó, hai nhà báo này sẽ không được phép nhập cảnh vào TQ để tiếp tục công việc.
Một nguồn tin Ấn Độ thân cận tiết lộ với hãng Reuters rằng hai nhà báo trên, một người đang làm việc cho đài truyền hình nhà nước Prasar Bharati và người còn lại là nhà báo của tờ The Hindu. Hai nhà báo đã nhận được thông báo thị thực của họ bị đình chỉ vào hôm 4-4.
Bình luận về thông tin trên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao TQ Mao Ninh nói rằng các nhà báo TQ trong một thời gian dài đã phải chịu bất công và bị phân biệt đối xử ở Ấn Độ.
Theo bà, vào năm 2017, Ấn Độ đã rút ngắn thời gian hiệu thực thị thực của các nhà báo TQ thường trú tại New Delhi xuống còn 3 tháng và kể từ năm 2020, đơn xin thường trú tại Ấn Độ của các nhà báo TQ đã bị từ chối. Mới đây, phía Ấn Độ cũng đã yêu cầu một nhà báo của hãng thông tấn Tân Hoa Xã rời khỏi nước này trước ngày 31-3.
“TQ luôn đối xử tử tế với các nhà báo Ấn Độ… TQ đã kiềm chế và tích cực liên lạc với phía Ấn Độ với sự thiện chí. Tuy nhiên phía Ấn Độ không những phớt lờ mà còn đi xa hơn vào con đường sai lầm” - bà Mao nhận định.
“Theo quan điểm trên, TQ sẽ phải thực hiện các biện pháp đáp trả thích hợp để bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức truyền thông nước này. Nếu phía Ấn Độ có các biện pháp tích cực để sửa chữa sai lầm của mình, TQ sẵn sàng tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà báo Ấn Độ” - bà Mao khẳng định.
Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ Arindam Bagchi cho hay New Delhi hy vọng chính quyền TQ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà báo tiếp tục làm việc và đưa tin từ TQ.
Căng thẳng ngoại giao mới nhất giữa Ấn Độ và TQ xảy ra sau khi New Delhi hôm 4-4 lên tiếng phản đối việc Bắc Kinh "chuẩn hóa” tên gọi của 11 địa danh ở vùng biên giới tranh chấp mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền gọi là Nam Tây Tạng, còn Ấn Độ gọi là Arunachal Pradesh.