“Đội quân cầm biển”
Trên nhiều đường phố ở Thâm Quyến, một trong những thành phố lớn nhất của Trung Quốc, người ta thường thấy xuất hiện những nhóm người, tay cầm những tấm biển mica kích cỡ tương đương tờ giấy A4, bên trên viết những nội dung giống nhau: “Thiết bị nghe trộm điện thoại, định vị, đồng hồ chụp ảnh trộm, thiết bị chống nghe trộm, thiết bị giải mã khóa ôtô…”.
Những nhóm được gọi là “đội quân cầm biển” này có độ tuổi dao động từ 20 đến 50, có mặt trên đường phố bất kể nắng mưa. Đương nhiên họ cũng ý thức được rằng việc bán hàng của mình là phạm pháp, vì vậy trên tất cả các bảng hiệu, chữ “trộm” trong cụm “thiết bị nghe trộm điện thoại” bao giờ cũng được viết nhỏ hơn những chữ khác, thêm vào đó, ngón tay cái của hai bàn tay cầm bảng hiệu bao giờ cũng che vào những chữ “nhạy cảm” này. Nếu nhìn từ xa, người đi đường chỉ có thể trông thấy những chữ “thiết bị nghe… điện thoại”.
Người bán hàng ở Quảng Châu hướng dẫn khách dùng thiết bị nghe trộm
“Nếu muốn mua thiết bị nghe trộm bắt buộc phải thông qua chúng tôi, bây giờ quản lý chặt, bọn họ không bán một cách tùy tiện đâu”, Lý Hiển, một phụ nữ 40 tuổi thuộc “đội quân cầm biển” trên Quảng trường Trại Cách, Thâm Quyến cho biết. Lý Hiển vóc người thấp bé, đen sạm vì cái nắng đầu hè, mặc một bộ quần áo thể thao màu vàng nhạt. Chị ta cho biết, mình vốn quê gốc ở Tứ Xuyên, đã làm nghề này khoảng 7-8 năm. Trước kia Lý Hiển bán đĩa lậu, song vì bị cạnh tranh quá khốc liệt, tiền kiếm được không đủ nuôi gia đình nên đã chuyển sang “nghề” đang thịnh hành này.
Khi nghe Trương Hải, một công chức đến từ Hồng Kông nói cần mua thiết bị nghe trộm, Lý Hiển đã lập tức quảng cáo về sản phẩm mới nhất K8 của Mỹ, sản phẩm được coi là “vua nghe trộm”, sau đó giới thiệu đến gặp “A Phi” để được báo giá và trực tiếp mua bán. Theo lời Lý Hiển, mình chỉ là người môi giới, còn những người như “A Phi” mới thực sự là người bán những mặt hàng này.
Hàng cấm bán công khai
Hiện những thiết bị nghe trộm điện thoại được bán phổ biến trên thị trường “đen” của Trung Quốc gồm K3, K8 của Mỹ hoặc “tai nhân tạo” của Trung Quốc sản xuất. “Nhưng K8 vẫn là “đỉnh” nhất, anh mua loại này thì khỏi cần nghĩ ngợi nhiều”, Lý Hiển giới thiệu trên đường dẫn Trương Hải đến gặp “A Phi”. “A Phi” là một người đàn ông trung niên, dường như kinh nghiệm buôn bán nhiều năm đã khiến ông ta rất cảnh giác, trong suốt quá trình giao dịch luôn nhìn ngang ngó dọc. Sau một hồi mặc cả, Trương Hải mua được thiết bị K8 với giá 1.800 nhân dân tệ (5 triệu đồng).
Khác với Thâm Quyến, ở Quảng Châu, nếu muốn mua thiết bị nghe trộm điện thoại, người ta phải tìm đến những cửa hàng bán thiết bị giám sát công khai và tìm cách thuyết phục nhân viên bán hàng rằng mình không phải là cảnh sát, quản lý thị trường hoặc… phóng viên. Điều đáng ngại hơn là, phần mềm cho phép nhập số điện thoại vào là nghe trộm được, vốn chỉ thấy trong phim ảnh, lại được bán công khai ở Công ty thiết bị điện tử Haiin của Quảng Châu với giá khoảng 3.000 nhân dân tệ. Một nhân viên làm việc lâu năm ở Haiin cho biết, có phần mềm này, chỉ cần nhập số điện thoại là có thể giám sát mọi cuộc gọi, tin nhắn đến và đi của đối phương. “Phần lớn người mua thuộc giới kinh doanh. Chỉ cần nghe trộm một cú điện thoại, họ có thể kiếm được nhiều hơn 3.000 nhân dân tệ”, nhân viên này cho biết.
Theo một số thành viên của “đội quân cầm bảng” cho biết, thiết bị nghe trộm K8 của Mỹ phần lớn là hàng nhập khẩu, chủ yếu được sản xuất ở Mỹ. Vì việc bán các thiết bị nghe trộm bị cấm ở Trung Quốc, nên những sản phẩm này chủ yếu nhập khẩu “chui”, còn theo con đường nào thì chỉ những “người trong giới” mới biết.
Có hay không thiết bị “toàn năng”?
Ông Lưu Hoán Cương, một thương nhân ở Quảng Châu cho biết, hồi tháng 3-2010, ông mua thiết bị nghe trộm K8 ở Thâm Quyến với giá 1.500 nhân dân tệ. Theo người bán “Đường Triều”, ông Cương phải nộp phí khai thông mạng mới có thể sử dụng thiết bị này, vì vậy, ông đã nộp khoản tiền này vào một tài khoản ngân hàng do bên kia cung cấp. Song một tuần sau, chức năng nghe trộm vẫn không thể thực thi. Ôn Cương tìm cách liên hệ lại với bên bán, song “Đường Triều” đã lặn mất tăm.
Một kỹ sư không muốn tiết lộ tên thuộc Công ty Unicom cho biết, thực chất cái gọi là “thiết bị nghe trộm điện thoại” đã phóng đại hiệu quả công nghệ và nếu người sử dụng điện thoại bảo vệ tốt các thông tin liên quan, ít kết nối điện thoại với các thiết bị ngoại vi hay để điện thoại ở những nơi công cộng, thì việc nghe trộm gần như không thể tiến hành.
Hiện nay, dù công nghệ khá phát triển, song nếu muốn nghe trộm, người ta chỉ có thể dùng đến hai phương thức: một là thông qua sự giúp đỡ của “tay trong” ở nhà cung cấp, sau đó tiến hành một số thủ đoạn kỹ thuật khi bán máy; hai là phải biết đối phương gọi đến số điện thoại nào và khi cuộc gọi được thực hiện phải cần đến một phần cứng trị giá vài nghìn USD và công cụ mã nguồn mở khác. Chính vì vậy, những thiết bị nghe trộm hiện bán trên thị trường phần lớn là lừa đảo, và khó đạt được mục đích như khách hàng mong muốn.
Theo ông Trịnh Minh Quốc, một sỹ quan cảnh sát ở Thâm Quyến cho biết, điện thoại di động ở Trung Quốc rất phổ biến, vì vậy vấn đề an ninh thông tin ngày càng trở nên nổi trội. Vì mỗi công dân đều có quyền bảo vệ bí mật đời tư của mình, nên hoàn toàn có thể tìm đến sự trợ giúp của pháp luật nếu gặp phải tình huống bị xâm phạm thông tin. Tính đến nay, nhà chức trách Trung Quốc cũng đã xử lý khá nhiều vụ án liên quan, trong đó có vụ một giám đốc công ty điện tử ở Thâm Quyến bị phạt tù 1 năm vì buôn bán phần mềm gián điệp trái phép, hay tháng 2-2010, 2 đối tượng thực hiện giao dịch thiết bị nghe trộm điện thoại ở Tế Nam cũng đã bị bắt giữ tại hiện trường.
Bảo Trâm tổng hợp (ANTĐ)