Lo ngại Bắc Kinh can thiệp vào các cuộc biểu tình phản đối dự luật dẫn độ ở Hong Kong gia tăng sau khi ngày 12-8 xuất hiện video cho thấy một số xe tải bọc thép của Lực lượng Cảnh sát vũ trang nhân dân Trung Quốc đi qua Thâm Quyến giáp với Hong Kong.
Ngày 12-8, cả tờ Thời Báo Hoàn Cầu và Nhân Dân Nhật Báo đăng tải một video ngắn cho thấy hàng chục xe bọc thép chở quân (APC) di chuyển thành đoàn tới TP Thâm Quyến của tỉnh Quảng Đông. Cả hai tờ báo này nói rằng cảnh sát tới đó để chuẩn bị cho các cuộc tập trận quy mô lớn.
Đáng chú ý, những khẩu súng trên những chiếc APC không thấy xuất hiện trên tháp pháo. Trong đoạn video còn có sự xuất hiện của một số người mặc đồng phục ngụy trang đứng tại cổng của một trung tâm thể thao. Tuy nhiên, họ không ngăn người dân tiếp cận khu vực.
Máy xúc nằm trong đoàn xe thiết giáp được triển khai tới Thâm Quyến. Ảnh: SCMP
Khi được hỏi có phải họ đang có mặt tại Thâm Quyến để diễn tập hay không và họ đã đến Thâm Quyến khi nào, các nhân viên trên đều lắc đầu và không nói gì, theo tờ South China Morning Post (SCMP).
SCMP cho biết sự xuất hiện của các xe thiết giáp ở Thâm Quyến đã làm dấy lên đồn đoán trên mạng về việc Bắc Kinh có thể sẵn sàng can thiệp trực tiếp vào các cuộc biểu tình đang diễn ra ở Hong Kong.
Tuy nhiên, chuyên gia quân sự ở Bắc Kinh Zhou Chenming cho biết cảnh sát vũ trang Trung Quốc có mặt tại Thâm Quyến để tham gia các cuộc diễn tập thường kỳ và mọi người không nên cảm thấy lo lắng.
“Chính quyền trung ương nhiều lần tuyên bố sẽ chỉ can thiệp nếu có các cuộc bạo động quy mô lớn và chính quyền Hong Kong đã tự nguyện xin hỗ trợ” - chuyên gia Zhou nói với SCMP.
Tuy nhiên, Giáo sư khoa học chính trị Dixon Sing Ming tại ĐH Khoa học và Công nghệ Hong Kong nhận định động thái trên của Trung Quốc chỉ là một “chiến thuật chiến tranh tâm lý”, với ý nghĩa làm giảm tinh thần và số lượng người biểu tình ở Hong Kong.
"Cuộc diễn tập là một phần trong nỗ lực của Bắc Kinh nhằm gây sức ép lên người biểu tình và công chúng Hong Kong, buộc họ phải từ bỏ năm yêu cầu ngay lập tức, trong đó có quyền lựa chọn lãnh đạo đặc khu theo phương thức phổ thông đầu phiếu" - ông Dixon Sing Ming cho biết.
Theo SCMP, những yêu cầu của người biểu tình bao gồm: rút dự luật dẫn độ, lãnh đạo Hong Kong phải từ chức, lên án việc chính quyền Hong Kong dán nhãn các vụ đụng độ giữa cảnh sát và người biểu tình là “bạo động”, điều tra độc lập hoặc điều tra của bên thứ ba về các hành động của cảnh sát Hong Kong trong vài tuần qua và phóng thích vô điều kiện những người bị bắt trong các cuộc biểu tình.
Hôm 6-8, 12.000 sĩ quan cảnh sát tập trung tại Thâm Quyến để tham gia tập trận.
Người biểu tình ở Hong Kong. Ảnh: HKFP
Các cuộc biểu tình ở Hong Kong đã biến thành bạo động trong hai tuần qua. Ngày 11-8, cảnh sát Hong Kong lần nữa đụng độ với người biểu tình, sử dụng hơi cay để dập tắt biểu tình ở một số khu vực của Hong Kong và bắn đạn cao su trong một nhà ga. Người biểu tình đáp trả bằng cách ném bom xăng và gạch.
Văn phòng Các vấn đề Hong Kong và Macau ngày 12-8 ra tuyên bố lên án việc những người biểu tình sử dụng “các công cụ nguy hiểm”, cho hay các vụ đụng độ cuối tuần qua cho thấy “những dấu hiệu đầu tiên của khủng bố” ở TP này.
Biểu tình ở Hong Kong bùng nổ từ đầu tháng 6 khi Trưởng đặc khu Hong Kong Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) nỗ lực thông qua dự luật dẫn độ cho phép người dân Hong Kong trình diện trước các tòa án hình sự ở Trung Quốc đại lục. Người dân Hong Kong lo dự luật sẽ giúp Trung Quốc dễ dàng bắt giữ người tại Hong Kong với nhiều lý do, kể cả lý do chính trị, đồng thời làm suy yếu sự độc lập của hệ thống tư pháp Hong Kong.
Trái lại, chính quyền Hong Kong cho rằng dự luật dẫn độ sẽ góp phần hoàn thiện hơn hệ thống pháp luật hiện tại của Hong Kong.
Dự luật đã dấy lên các cuộc biểu tình lớn nhất ở Hong Kong để từ khi TP này được trao trả cho Trung Quốc năm 1997. Bà Lam kiên quyết từ chối đáp ứng bất cứ yêu cầu nào từ người biểu tình ngoài việc đình chỉ dự luật vào lúc này.