LTS: Mới đây, Tân Hoa xã (Trung Quốc) đưa thông tin nói rằng chính quyền Trung Quốc đã bắt giữ một số tin tặc là những kẻ đã tấn công lấy cắp thông tin của Cơ quan Quản lý Nhân sự của chính phủ Mỹ (OPM), sự kiện được Washington công bố hồi tháng 6-2015 khiến quan hệ giữa hai nước trở nên căng thẳng. Có hay không một chiến lược “tấn công mạng” từ phía Bắc Kinh?
Tạp chí The Diplomat mới đây có bài xã luận với nhan đề “2015 a Pivotal Year for China’s Cyber Armies” (tạm dịch: 2015: Một năm quan trọng đối với các đội quân Internet của Trung Quốc (TQ)”.
Theo đó, nhìn lại năm 2015 với từ khóa “hacker TQ” được nhắc đến nhiều lần, không chỉ trên báo chí truyền thông mà còn làm nóng các diễn đàn ngoại giao giữa hai “ông lớn” là Mỹ và TQ.
Từ các cuộc tấn công mạng liên tiếp…
Theo The Diplomat, các tấn công mạng trong thời gian qua kéo dài dai dẳng, dồn dập và gây hậu quả to lớn, đặc biệt đối với nước Mỹ.
Hacker TQ là nghi phạm chính của hàng loạt vụ tấn công mạng nhắm vào các công ty lớn như Anthem, Premera và kể cả Cơ quan Quản lý Nhân sự Mỹ (OPM), làm lộ thông tin cá nhân của hơn 100 triệu người chỉ tính riêng ở Mỹ.
Tới thời điểm hiện tại, mục tiêu chính của gián điệp mạng TQ thường là theo đuổi lợi ích kinh tế. Hãng AFP dẫn lời Dmitri Alperovitch, chuyên gia an ninh tại công ty an ninh CrowdStrike, hồi tháng 10-2015 cho hay: “Phần mềm của CrowdStrike Falcon đã phát hiện và ngăn chặn được sự xâm nhập vào các hệ thống của khách hàng do những kẻ bị tình nghi có liên hệ với chính phủ TQ thực hiện”.
Vị này cho biết thêm có ít nhất bảy công ty hoạt động trong lĩnh vực công nghệ hoặc dược phẩm bị tấn công. Mục đích chính là tài sản trí tuệ và bí mật thương mại.
Mặt khác, theo The Diplomat, nhiều cuộc tấn công nhằm vào giới tư nhân cũng hằn rõ dấu vết của định hướng gián điệp mạng. Một cuộc tấn công quy mô đã nhằm vào Outlook tại TQ, phần mềm chuẩn sử dụng tại các cơ quan chính phủ Mỹ.
Các cuộc tấn công nhằm vào Anthem, Premera và OPM đã làm rò rỉ hàng loạt thông tin cá nhân của nhân sự chính phủ Mỹ, cộng với thông tin mà hacker lấy được từ United Airlines và Sabre Corp., có thể mang đến cho tình báo TQ khả năng nắm mọi nhất cử nhất động của các thành viên trong chính phủ Mỹ.
Đến chuẩn bị “chiến tranh thông tin cục bộ”
Theo các chuyên gia của Mỹ, chính quyền TQ đã có những động thái đầu tiên trong việc tập hợp các đơn vị chuyên viên mạng lỏng lẻo thành một tập hợp nghiêm túc hơn với các mục tiêu chính là giám sát an ninh nội địa và thực hiện các đợt tấn công mạng mang tính chất chính trị.
Từ năm 2013, tại Hội nghị toàn quốc lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản TQ (Hội nghị Trung ương 3) khóa 18 đã đưa ra ý tưởng TQ có thể điều chỉnh chiến lược quân sự quốc gia.
Năm 2015 được xem là một năm bận rộn và quan trọng đối với lực lượng hacker Trung Quốc. Ảnh minh họa: SELIMAKSAN
Đến tháng 5-2015, Bộ Quốc phòng TQ bày tỏ mong muốn hệ thống lại Sách trắng quốc phòng mới - Chiến lược quân sự TQ nhằm giành chiến thắng “các cuộc chiến tranh thông tin cục bộ”.
Trong suốt năm 2015, TQ đã thực hiện một loạt động thái nhằm chuyên nghiệp hóa lực lượng chiến tranh mạng.
Bước đầu tiên TQ thực hiện là đưa ra các tuyên bố về thực lực, đồng thời vạch ra kế hoạch lâu dài cho lực lượng “quân đội Internet”. Quân đội TQ (PLA) đã thừa nhận có sự tồn tại song song hai đơn vị: Chinh chiến mạng dân sự và quân sự trực thuộc sự chỉ huy của trung ương.
Ngay trước một cuộc họp của lãnh đạo cấp cao TQ hồi tháng 10-2015, các quan chức PLA thông báo muốn tập trung các đơn vị nhỏ lẻ quân đội mạng để hoạt động dưới sự chỉ đạo trực tiếp từ Quân ủy Trung ương nước này.
Các chuyên gia đánh giá động thái này là một cách để kiểm soát chặt hơn các hoạt động tình báo mạng, đồng thời chuẩn bị cho một cuộc “chiến tranh thông tin” trong tương lai.
Rõ ràng hiện nay, dựa trên những gì mà Sách trắng quốc phòng TQ thể hiện, quan niệm “chiến tranh” của Bắc Kinh đã có sự điều chỉnh: Hình thức chiến tranh đã dịch chuyển sang giai đoạn áp dụng ngày càng nhiều công nghệ thông tin vào tất cả khía cạnh của các hoạt động quân sự.
Hiểu nôm na, “hình thức chiến tranh đang tăng tốc chuyển mình sang thông tin hóa” chứ không chỉ là súng ống hay vũ khí truyền thống.
Thiết lập “chủ quyền Internet”
Các bước đi trong những năm qua, đặc biệt là năm 2015 của TQ nhằm phát triển một đội ngũ “chiến binh Internet” thiện chiến song song với việc củng cố và nhấn mạnh “chủ quyền Internet” - khái niệm được các nhà ngoại giao TQ đưa ra trường quốc tế lần đầu tiên trong buổi khai mạc của Hội nghị Internet Quốc tế tháng 11-2014 và được người TQ liên tục sử dụng trong suốt năm 2015.
Vào tháng 1-2015, thông qua Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, TQ chính thức đệ trình đề nghị lên Liên Hiệp Quốc cho một bộ quy tắc ứng xử về an ninh thông tin. Bắc Kinh đề nghị tái khẳng định quyền của một quốc gia trong việc kiểm soát nội dung Internet và cơ sở hạ tầng mạng trong phạm vi biên giới quốc gia vì lợi ích an ninh quốc gia đó.
Trong một cuộc họp của Hội nghị Thượng đỉnh thế giới về xã hội thông tin hồi tháng 7-2015, đại sứ TQ tại Liên Hiệp Quốc một lần nữa ủng hộ mạnh mẽ vai trò của các quốc gia trong việc quản lý Internet và nhấn mạnh: Nhà nước không nên bị các doanh nghiệp tư nhân và tổ chức phi chính phủ gây ảnh hưởng lớn.
Các nhà lập pháp tại TQ cũng đang làm hết sức để đưa khái niệm “chủ quyền Internet” vào luật dù gặp sự phản đối gay gắt từ các doanh nghiệp công nghệ cao của Mỹ và châu Âu.
Một trong những ví dụ điển hình là hồi tháng 3-2015, Quốc hội TQ đệ trình một dự luật chống khủng bố, trong đó yêu cầu các hãng công nghệ phải trao cho nhà nước quyền kiểm soát thông tin mã hóa và trao quyền “kiểm duyệt” cho chính quyền.
Nhưng sau đó các nhà lập pháp buộc phải thông qua một đạo luật an ninh quốc gia mới bao gồm các quy định cho phép chính phủ tự thiết lập cơ sở hạ tầng mạng và nội dung một cách “an toàn và nằm trong tầm kiểm soát”.
Công cuộc thắt chặt an ninh này tại TQ gây ra sự bất đồng lớn trong và ngoài nước. Được tiến hành theo công cuộc cải cách khơi mào bởi Chủ tịch Tập Cận Bình, Internet tại TQ ngày càng bị kiểm duyệt một cách nghiêm ngặt đến mức cao độ.
Hàng loạt công ty Internet tại TQ bị chỉ trích công khai và kiểm duyệt. Khoảng 15.000 người bị bắt vì tung thông tin “bất hợp pháp và gây nguy hại” lên mạng Internet. Ngoài ra, Bắc Kinh còn thi hành các luật cấm người dùng ẩn danh trên các dịch vụ blog và nhắn tin nhanh trực tuyến.
Năm 2015, hệ thống kiểm duyệt của TQ còn được quyền chủ động ngăn chặn nội dung mạng mà chính phủ không muốn người dùng tiếp cận hoặc đăng tải. Hồi tháng 3-2015, sự kiện “Great Canon” gây tiếng vang khi các tin tặc TQ gài mã độc vào trang tìm kiếm Baidu, sử dụng các máy nhiễm độc để tấn công hệ thống máy chủ của Github và các trang đối tác của Github như GreatFire CN-NYTimes.
Đây được xem như là vũ khí kiểm duyệt mới của TQ khi không chỉ lọc và kiểm soát dữ liệu nội địa mà còn có khả năng tấn công các nguồn thông tin không mong muốn trên mạng Internet chung. Một số hacker còn nhắm vào các tổ chức, chính phủ nước ngoài.
Chính phủ Trung Quốc bác bỏ cáo buộc TQ bị cáo buộc đánh cắp 50 TB dữ liệu về máy bay tàng hình F-35 của Mỹ hồi đầu năm nay. Tiếp theo đó là các vụ tấn công nhằm vào các trường đại học Pennsylvania, Connecticut và Virginia. Cả ba trường đại học đều chỉ mặt và buộc tội TQ. Việc có các thông tin từ các đại học hàng đầu này có thể giúp ích rất nhiều trong công cuộc hiện đại hóa quân sự của TQ. Trước cáo buộc chính phủ “chống lưng” cho hacker, Chủ tịch Tập Cận Bình đã đưa ra các thông điệp nhấn mạnh tính ôn hòa của các lực lượng mạng của TQ. Tháng 9-2015, ông Tập thừa nhận có sự khác nhau giữa gián điệp kinh tế và thu thập thông tin tình báo qua đường mạng, đồng thời ông Tập loại trừ các khả năng nhà nước sẽ đỡ đầu hệ thống tình báo mạng này. Song song đó, ông Tập ký một loạt hiệp ước về an ninh mạng với Mỹ, Nga và các hiệp định về mạng với Vương quốc Anh và Đức. |