Với đường kính 500 m, kính thiên văn hình cầu FAST (Five-hundred-metre Aperture Spherical Telescope) nép mình giữa những ngọn đồi núi ở tỉnh Quý Châu, Trung Quốc. Hãng tin Tân Hoa xã đưa tin kính thiên văn này đã bắt đầu hoạt động vào trưa 25-9.
Được xây dựng với chi phí 1,2 tỉ nhân dân tệ (~4.000 tỉ VND), kính thiên văn FAST của Trung Quốc đã đánh bại Đài quan sát Arecibo ở Puerto Rico, trở thành kính thiên văn lớn nhất thế giới. Gương phản xạ của nó có kích cỡ bằng 30 sân bóng đá cộng lại. Kính thiên văn FAST sẽ thực thi nhiệm vụ thám hiểm không gian và tìm kiếm dấu hiệu của sự sống ngoài vũ trụ.
Kính thiên văn FAST lớn nhất thế giới bắt đầu hoạt động từ ngày 25-9 ở tỉnh Quý Châu, Trung Quốc. Ảnh: AFP
Dự án hàng tỉ đô đầy tham vọng này được Trung Quốc xem là biểu tượng cho sự phát triển của đất nước. Ngoài ra, Trung Quốc còn lên kế hoạch xây dựng một trạm không gian ở lại ngoài không gian vĩnh viễn vào năm 2020 và cuối cùng là nhiệm vụ đưa người lên mặt trăng.
Trước đó, hãng tin Tân Hoa xã đã trích dẫn lời ông Wu Xiangping, Tổng Giám đốc Hiệp hội Thiên văn Trung Quốc, rằng độ nhạy cảm cao của kính thiên văn "sẽ giúp chúng ta tìm kiếm sự sống bên ngoài thiên hà này".
Trung Quốc đã bắt đầu xây dựng kính thiên văn FAST từ năm 2011. Chính quyền địa phương hồi tháng 2 đã tuyên bố sẽ di dời gần 10.000 người dân sống trong bán kính 5 km gần đó, tạo điều kiện theo dõi và quan sát tốt hơn. Trước đó, Trung Quốc cũng đã di dời hàng trăm ngàn người dân để nhường chỗ cho các dự án hạ tầng lớn như đập thủy điện và các kênh đào.
Kính thiên văn FAST được đặt tại vị trí khá xa xôi, hẻo lánh và là vùng tương đối nghèo. Hãng tin Tân Hoa xã cho biết địa điểm này được lựa chọn vì gần đó không có TP lớn nào.