Riêng trong tháng 3, kim ngạch xuất khẩu cao hơn một chút (139 triệu USD) so với nhập khẩu. Nhưng vào tháng hai, nước này nhập nhiêu tới 7,3 tỷ USD. Thông tin được Cục Thống kê nước này công bố hôm qua, 10/4.
Mặc dù vậy, triển vọng về cuối năm vẫn lạc quan khi Trung Quốc cho rằng họ sẽ có thặng dư thương mại đáng kể. Các doanh nghiệp thường đi theo một chu trình là nhập khẩu nguyên liệu hàng hóa vào đầu năm, phục vụ cho công tác sản xuất và xuất khẩu trong những tháng còn lại.
Tuy nhiên, giới phân tích vẫn nhận định thặng dư thương mại hàng năm của Trung Quốc có xu hướng thu hẹp lại trong những năm tới vì sự lên giá dần dần của đồng tiền, giá lao động tăng và lạm phát nói chung khiến hàng xuất khẩu trở nên đắt đỏ.
Wang Tao, chuyên gia kinh tế chính của hãng UBS tại Trung Quốc dự báo năm nay, thặng dư thương mại của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ ở quanh 150 tỷ USD, giảm khoảng một phần năm so với năm ngoái và là năm giảm thứ ba liên tiếp.
Thông tin thâm hụt thương mại Trung Quốc diễn ra khi các bộ trưởng tài chính và ngân hàng trung ương nhóm G20 cùng Quỹ Tiền tệ, Ngân hàng Thế giới đang tập trung ở Washington để bàn về vấn đề Trung Đông, Nhật Bản, châu Âu, giá dầu và hàng hóa, cũng như tăng trưởng kinh tế Trung Quốc.
Ngân hàng Thế giới nhận định Trung Quốc chiếm khoảng một phần tư trong tăng trưởng toàn cầu giai đoạn 2000 đến 2009, vượt Mỹ để trở thành nước có đóng góp lớn nhất.
Hầu hết các chuyên gia kinh tế dự báo Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng trưởng cao năm nay, nhất là với sự hậu thuẫn của sự phục hồi từ Mỹ. Mặc dù vậy, tốc độ mở rộng có thể ít hơn so với con số 10,3% hồi năm ngoái. Thâm hụt thương mại của quý vừa rồi cho thấy giá hàng hóa đang ngày càng ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng, nhất là khi lạm phát được dự báo sẽ ở gần 5% một năm.
Theo Thanh Bình (VNE/ WSJ)