Gần 2/3 trong tổng số 239 người có mặt trên chuyến bay MH370 của Malaysia Airlines mất tích sáng 8/3 là người Trung Quốc, và nếu vụ tai nạn được xác nhận, đây sẽ là thảm họa hàng không tồi tệ thứ hai trong lịch sử Trung Quốc.
Trong ngày hôm qua, chính phủ Trung Quốc “hối thúc phía Malaysia nỗ lực đẩy nhanh cuộc điều tra và cung cấp thông tin chính xác cho Trung Quốc một cách kịp thời”, người phát ngôn Qin Gang của Bộ ngoại giao Trung Quốc nói.
“Họ cũng cần phải thực hiện một cách đầy đủ các công việc liên quan tới thành viên gia đình các hành khách và các vấn đề theo sau”.
Ông Qin lưu ý rằng “vụ việc vẫn đang được điều tra”, tuy nhiên truyền thông nhà nước Trung Quốc thì không kiềm chế như vậy, mà chỉ trích mạnh mẽ Malaysia và hãng hàng không quốc gia của nước này trong việc xử lý vụ máy bay mất tích, yêu cầu phải có câu trả lời bất chấp cuộc điều tra mới đang ở giai đoạn đầu, và đề nghị có các nỗ lực nhanh chóng hơn.
Tờ Thời báo hoàn cầu của Trung Quốc trong một bài bình luận đã cáo buộc cơ quan chức năng Malaysia lơ là công tác an ninh.
“Phía Malaysia không thể chối bỏ trách nhiệm của mình. Cho đến hôm qua, thậm chí họ còn không thể đảm bảo độ chính xác về thông tin hành khách. Các phản ứng bước đầu từ Malaysia là không đủ nhanh chóng”, bài báo viết.
“Có những lỗ hổng trong công việc của Malaysia Airlines và các cơ quan an ninh. Nếu vụ việc xuất phát từ trục trặc kỹ thuật chết người hoặc lỗi của phi công, thì Malaysia Airlines phải chịu trách nhiệm. Còn nếu đã có một vụ tấn công khủng bố, thì hoạt động kiểm tra an ninh tại sân bay Kuala Lumpur và trên chuyến bay là đáng phải xem lại”.
Tờ China Daily thì có một bài viết khẳng định “hành động khủng bố không thể bị loại trừ”.
“Thực tế rằng một số hành khách trên khoang sử dụng hộ chiếu giả là một sự nhắc nhở cho cả thế giới rằng các biện pháp an ninh không bao giờ là quá chặt chẽ”, bài báo viết. “Chủ nghĩa khủng bố, con quỷ của thế giới, vẫn đang cố gắng vấy bẩn nền văn minh nhân loại với máu của những người vô tôi”.
Các quan chức cho biết một công dân ý và một công dân Áo có tên trong danh sách hành khách chuyến bay đều đã bị mất hộ chiếu tại Thái Lan, và không lên máy bay.
Về phần mình Malaysia Airlines khẳng định trong một thông cáo báo chí rằng sẽ điều thêm một máy bay trong hôm nay (11/3) “tới đưa các gia đình từ Bắc Kinh sang Kuala Lumpur”.
Cảnh sát trưởng Malaysia ngay hôm qua khẳng định một trong hai người sử dụng hộ chiếu đánh cắp đã được xác định danh tính.
Tại một khách sạn ở Bắc Kinh, các quan chức đại sứ quán Malaysia đang xử lý đơn xin cấp thị thực từ các gia đình muốn nhận lời mời tới Kuala Lumpur của hãng hàng không để được ở gần hơn với các hoạt động giải cứu.
Hàng chục người đã bước vào căn phòng, một số đi theo nhóm từ 5-6 người, cầm theo khăn tay và lau nước mắt. Một số người nhà hành khách dự kiến sẽ lên chuyến bay từ Bắc Kinh tới Kuala Lumpur sáng sớm nay, nhưng nhiều người khác cho biết sẽ không đi.
“Chúng tôi có thể làm được nhiều việc hơn khi ở Trung Quốc”, một phụ nữ khẳng định. “Họ vẫn chưa tìm thấy máy bay”.
Một số người thì chỉ trích cách ứng phó và công bố thông tin của Malaysia Airlines, đề nghị chính phủ Trung Quốc dành sự “quan tâm mạnh mẽ” tới vụ việc.
“Hãng hàng không cung cấp rất ít thông tin”, một người đàn ông 40 tuổi, người khẳng định có bạn thân nhất trên chuyến bay nói. “Họ rất chậm chạp. Chúng tôi buộc phải dựa vào báo giới”.
Giới chức Trung Quốc đã gặp người nhà các hành khách trong ngày hôm qua, một người cho biết, nhưng nói thêm “chúng tôi lúc này thực sự không biết họ có thể giúp được gì cho mình”.
Không ít người nhà các hành khách vẫn có hy vọng mong manh rằng người thân của mình đơn giản là chưa được tìm thấy.
Theo hãng thông tấn Tân Hoa Xã, Bắc Kinh đã điều một nhóm công tác tới Malaysia hôm 10/3, bao gồm các nhân viên của Bộ ngoại giao, công an và giao thông.