Nằm trong dự án CZ-5, Trung Quốc vừa tuyên bố phóng thành công tên lửa mang theo vệ tinh Shijian-20, thiết bị liên lạc truyền hình kỷ nguyên mới vào quỹ đạo không gian tối 27-12 vừa qua.
Theo báo South China Morning Post, chỉ huy của dự án cho biết nhóm dự án đã khắc phục được các vấn đề đã từng dẫn đến hai lần phóng thất bại trước đó vào năm 2016 và 2017.
Tên lửa Long March 5 mang theo vệ tinh được phóng từ bệ đặt tại trung tâm Văn Xương, tỉnh Hải Nam, với lực đẩy hơn 1.000 tấn vào lúc 20 giờ 45 (giờ địa phương).
Tên lửa Long March 5 được phóng từ Trung tâm vũ trụ Văn Xương ở Hải Nam. Ảnh: Reuters
Các nhà chức trách Trung Quốc đã tuyên bố CZ-5 là một dự án “hoàn toàn thành công” chỉ hơn nửa giờ sau khi vệ tinh Shijian-20 mà Long March 5 mang theo đi vào đúng đường quỹ đạo được chỉ định.
“Sau hơn hai năm, nhóm nghiên cứu đã nỗ lực vượt qua những thách thức về động cơ tên lửa. Chúng tôi đã thành công trong việc giải quyết các vấn đề mà chúng tôi gặp phải” - ông Wang Yu, chỉ huy trưởng của dự án, nói.
Việc đưa vệ tinh ra ngoài không gian thành công sẽ giúp đảm bảo các công nghệ quan trọng có liên quan của Trung Quốc được vận hành một cách tốt nhất.
Các nhà khoa học theo dõi vụ phóng tại trạm kiểm soát. Ảnh: South China Morning Post
“Vệ tinh mới này sẽ đưa công nghệ truyền thông của Trung Quốc lên một kỷ nguyên mới” - một quan chức Trung Quốc chia sẻ.
Đây là lần thứ 34 và cũng là lần phóng vệ tinh cuối cùng trong năm nay của Trung Quốc, nhiều hơn số lần phóng vệ tinh của Mỹ với chỉ 27 lần.
Shijian-20, được xây dựng dựa trên nền tảng Đông Phương Hồng 5 mới, sẽ là một trong những vệ tinh lớn nhất, hoạt động ở độ cao tới 36.000 km từ quỹ đạo đến Trung Quốc và khu vực lân cận.
Tên lửa mang theo một vệ tinh với thiết bị thông tin liên lạc tiên tiến thế kỷ mới vào quỹ đạo. Ảnh: Hãng thông tấn Tân Hoa Xã
Bảng điều khiển năng lượng mặt trời của Shijian-20 có chiều dài hơn 40 m, dài hơn sải cánh của một máy bay Boeing 737, Tập đoàn Khoa học và Công nghệ hàng không vũ trụ Trung Quốc cho biết.
Shijian-20 dự kiến sẽ đưa tần số liên lạc không gian của Trung Quốc lên 5 gigahertz và tốc độ truyền dữ liệu lên 1 terabyte mỗi giây.
Đây cũng là vệ tinh đầu tiên của Trung Quốc sử dụng động cơ đẩy ion cực mạnh để cải thiện khả năng của động cơ và thời gian sử dụng.
Vệ tinh cũng có thiết bị mã hóa lượng tử với tính bảo mật cao để phục vụ cho hoạt động quân sự và chính phủ Trung Quốc.
Tên lửa Long March 5 được vận chuyển đến bệ phóng tại Trung tâm Văn Xương ở tỉnh Hải Nam. Ảnh: Reuters
“Vệ tinh Shijian-20 sẽ thay đổi vị thế của Trung Quốc, từ một quốc gia theo sau vươn lên vị trí dẫn đầu trong hệ thống truyền thông vũ trụ thế giới” - một chuyên gia về hàng không vũ trụ của Bắc Kinh khẳng định.
Trung Quốc đã có một số bước tiến khả quan trong những năm gần đây, bao gồm cả việc phóng thành công vệ tinh truyền thông lượng tử đầu tiên trên thế giới, sử dụng công nghệ tiên tiến mới nhất.
Các nhà khoa học Trung Quốc cũng đang phát triển một vệ tinh có khả năng nhìn thấy các vật thể ở độ sâu 500 m dưới biển.