Theo Bộ KH&ĐT, FDI giải ngân trong tháng 7 đạt 1,4 tỉ USD. Như vậy, tính chung bảy tháng đầu năm, FDI giải ngân đạt 10,55 tỉ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, tổng FDI cam kết giảm 11,9% so với cùng kỳ năm ngoái xuống 20,22 tỉ USD.
Đáng chú ý, FDI cam kết từ Trung Quốc tăng mạnh 134% so với cùng kỳ năm ngoái lên 2,48 tỉ USD. Nguyên nhân là do căng thẳng thương mại khiến dòng vốn Trung Quốc tìm Việt Nam là điểm dừng chân.
Tổng cục Thống kê ước tính thặng dư thương mại trong tháng 7 đạt 200 triệu USD. Như vậy, thặng dư thương mại bảy tháng đầu năm đạt 1,8 tỉ USD so với 2,6 tỉ USD cùng kỳ năm ngoái. Trong bảy tháng đầu năm, xuất khẩu ước đạt 145,13 tỉ USD, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi nhập khẩu đạt 143,34 tỉ UDS, tăng 8,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy gần đây xuất khẩu có một số tín hiệu phục hồi và thặng dư thương mại cải thiện lên 1,8 tỉ USD tính đến cuối tháng 7 nhưng căng thẳng thương mại leo thang và nền kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại sẽ tiếp tục là những yếu tố rủi ro cho xuất khẩu của Việt Nam.
Còn theo công ty nghiên cứu thị trường IHS Markit, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của Việt Nam trong tháng 7 đạt 52,6, cao hơn so với mức 52,5 trong tháng 6. Đơn hàng mới tăng mạnh nhất kể từ đầu năm đến nay.
Ngoài ra, các hoạt động mua hàng tăng mạnh do khối lượng công việc gia tăng và các doanh nghiệp tin tưởng vào triển vọng ngắn hạn. Các kết quả nói trên dự báo triển vọng tích cực của hoạt động sản xuất trong những tháng tới.
Trong bối cảnh chiến tranh thương mại leo thang, thì tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ của Việt Nam tăng 11,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Bán lẻ hàng hóa và bán lẻ của nhóm dịch vụ lưu trú - ăn uống đạt tăng trưởng lần lượt 12,5% và 10% so với cùng kỳ năm ngoái, so với 11,7% và 9,1% trong bảy tháng đầu năm 2018.
Tuy nhiên, tổng mức bán lẻ du lịch tăng 10%, vẫn thấp hơn nhiều so với mức tăng 17,7% trong bảy tháng đầu năm 2018 do khách quốc tế đến Việt Nam tăng chậm lại.