Gần 2 tháng trước, bà Mạnh Vãn Châu – Giám đốc Tài chính Tập đoàn Huawei bị Canada bắt theo yêu cầu của Mỹ.
Ngày 28-1, Mỹ chính thức thông báo truy tố Huawei và bà Mạnh về các tội ăn cắp bí mật công nghiệp, lừa đảo ngân hàng, gian lận chuyển tiền, và vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ với Iran.
Quá nhiều vi phạm
New York Times dẫn cáo trạng của Bộ Tư pháp Mỹ nêu rõ các hành vi vi phạm của Huawei và bà Mạnh. Cáo trạng đề cập một tập tin được tìm thấy trong một thiết bị điện tử bà Mạnh mang theo lúc đến sân bay quốc tế Kennedy ở New York năm 2014. Tập tin này chứa “các điểm đối thoại đề xuất” về quan hệ giữa Huawei và Skycom – công ty mà theo các công tố viên đã được Huawei sử dụng như một chi nhánh không chính thức để giao dịch với Iran. Cáo trạng cho biết Skycom thuê ít nhất một nhân viên là công dân Mỹ ở Iran, vi phạm luật Mỹ.
Sau khi biết Mỹ điều tra hình sự mình năm 2017, Huawei hủy các chứng cứ và di chuyển các nhân chứng biết việc làm ăn của mình với Iran về Trung Quốc, ra khỏi tầm với của chính phủ Mỹ.
Cáo trạng cũng đề cập đến chuyện Huawei ăn cắp bí mật thương mại của nhà khai thác mạng không dây T-Mobile của Mỹ. Cáo trạng trưng các email nội bộ mô tả âm mưu ăn cắp thiết bị thử nghiệm từ một phòng thí nghiệm của T-Mobile ở TP Bellevue, bang Washington (Mỹ). Một kỹ sư Huawei đã lẻn vào phòng thí nghiệm nơi đặt một robot có tên Tappy, lấy đi một cánh tay của robot này về nghiên cứu sâu hơn.
Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross thông báo về việc truy tố Huawei ngày 28-1. Ảnh: NEW YORK TIMES
Huawei nói rằng nhân viên của mình tự ý hành động vì muốn tìm hiểu thêm về robot Tappy mà T-Mobile dùng để thử nghiệm điện thoại thông minh. Tuy nhiên cáo trạng dẫn nhiều email trao đổi giữa các kỹ sư Huawei cho thấy kết luận này không đúng. Cụ thể các kỹ sư Huawei đã đề nghị những ai có thể tiếp cận Tappy cần chú ý tìm hiểu, đánh giá về robot này.
Cũng theo cáo trạng, năm 2013 Huawei phát động chương trình treo thưởng cho các nhân viên ăn cắp thông tin mật từ các đối thủ. Các nhân viên được chỉ đạo đưa thông tin chương trình này lên một trang web nội bộ Huawei, hoặc báo các trường hợp đặc biệt đến một địa chỉ email được mã hóa. Nhân viên nào ăn cắp được thông tin giá trị nhất sẽ được thưởng thêm.
Khả năng bà Mạnh bị dẫn độ rất cao
Ngày 29-1, Bộ trưởng Tư pháp Canada David Lametti xác nhận Mỹ đã chính thức gửi yêu cầu Canada dẫn độ bà Mạnh. Theo đó, chính phủ Canada có một tháng để quyết định liệu yêu cầu dẫn độ của Mỹ có đủ mạnh để đưa ra xem xét ở tòa án Canada hay không.
Khi được hỏi liệu Canada có quyết định sớm hơn 30 ngày không, ông Lametti nói các cơ quan liên quan cần thời gian để xem xét chứng cứ, tài liệu trước khi đưa ra quyết định. Tới lúc này, cả ông Lametti lẫn Ngoại trưởng Canada Chrystia Freeland đều không tỏ bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy liệu Canada có ủng hộ yêu cầu dẫn độ của Mỹ hay không.
Bà Mạnh Vãn Châu được tại ngoại tại Canada nhưng khả năng lớn sẽ bị dẫn độ về Mỹ. Ảnh: AP
Theo Giáo sư luật Julian Ku tại đại học Hofstra (Mỹ), từ các bằng chứng trong cáo trạng có thể thấy khả năng bà Mạnh bị dẫn độ sang Mỹ rất lớn.
“Dấu hiệu chuẩn để biết về việc dẫn độ là liệu tòa án Canada có quyết định đưa bà Mạnh ra tòa hay không. Nói một cách cơ bản là liệu Mỹ có đủ chứng cứ để truy tố một người hay không? Và tôi nghĩ trường hợp này đủ tiêu chuẩn” – Giáo sư Ku nhận định.
Từ khi bà Mạnh bị bắt phía Trung Quốc luôn lên án hành động này là sai trái và chuyên quyền, lấy một vụ việc tư pháp để che đậy động cơ chính trị.
Ngày 29-1 Huawei – nhà cung cấp thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới – nói mình vô tội với các cáo buộc phía Mỹ đưa ra. Bộ Ngoại giao Trung Quốc một lần nữa kêu gọi Mỹ và Canada thả bà Mạnh – con gái của nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi vốn từng là sĩ quan trong quân đội Trung Quốc.
Tuy nhiên theo New York Times, giờ một khi Mỹ đã quyết định truy tố thì cả Huawei lẫn chính phủ Trung Quốc không dễ dàng gì đối phó hay trả đũa.
Cửa trả đũa không rộng
Chưa cần nghĩ đến chuyện trả đũa Mỹ thì Huawei đã và đang phải chật vật điều chỉnh hoạt động ở Mỹ trong bối cảnh quan hệ với chính phủ Mỹ xấu đi. Năm ngoái Huawei phải cắt giảm nhân sự ở Mỹ sau khi cuộc điều tra đi sâu hơn và bị công ty viễn thông AT&T (Mỹ) rút khỏi thương vụ bán điện thoại Huawei. Gần đây Huawei có thêm nhiều động thái thay đổi nhân sự, như để cải thiện hình ảnh của mình ở Mỹ.
Từ nội dung các cáo buộc của Bộ Tư pháp Mỹ với Huawei cho thấy các lãnh đạo khác của Huawei trong đó có nhà sáng lập Nhậm Chính Phi – cha bà Mạnh, cựu sĩ quan quân đội Trung Quốc – phải thận trọng khi sang các nước có hiệp ước dẫn độ với Mỹ.
“Nếu tôi là luật sư của ông ấy, tôi sẽ khuyên ông ấy cẩn thận” – Giáo sư luật Julian Ku nói về tình huống này.
Sự thận trọng này có thể sẽ khiến Huawei khó khăn hơn trong hoạt động kinh doanh ở những nơi như châu Âu. Có thể thấy Mỹ đã làm áp lực lên Huawei từ mọi phía, trong lo ngại chính phủ Trung Quốc có thể dùng sản phẩm của Huawei do thám mạng lưới viễn thông của nước khác trong đó có mình.
Ông Nhậm Chính Phi (phải) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại văn phòng Huawei ở London (Anh) ngày 21-10-2015. Ảnh: GETTY IMAGES
Như nhận thức được thế khó của Huawei, một tháng rưỡi sau khi bà Mạnh bị bắt, ông Nhậm Chính Phi mở cuộc họp báo hiếm hoi nói rằng ông nói nhớ con gái, đồng thời khẳng định Huawei không phải là công cụ chính phủ Trung Quốc dùng do thám Mỹ.
Ông Nhậm khẳng định “Huawei chưa bao giờ nhận bất kỳ yêu cầu nào từ bất kỳ chính phủ nào phải cung cấp thông tin”. Ông Nhậm bác bỏ sự lo ngại về an ninh của thiết bị Huawei rằng “không có luật nào ở Trung Quốc yêu cầu bất kỳ công ty nào lắp đặt thiết bị do thám bí mật”, đồng thời thêm rằng Huawei “không hề có sự cố an ninh nghiêm trọng”.
Ông Nhậm có vẻ muốn thuyết phục ông Trump rằng nhắm tới tập đoàn của ông là chuyện không cần thiết, rằng “Huawei chỉ là một hạt mè trong xung đột thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ”.
Nhà sáng lập Huawei thậm chí còn nhân nhượng khi đề cập khả năng rút khỏi thị trường Mỹ: “Huawei không phải là một công ty đại chúng, vì thế chúng tôi không cần báo cáo thu nhập đẹp đẽ để gây ấn tượng với các cổ đông. Nếu có nước không muốn Huawei xuất hiện ở thị trường mình, chúng tôi sẽ thu nhỏ hoạt động. Miễn là chúng tôi có thể sống sót và lo được cho người lao động, rồi chúng tôi sẽ có tương lai” .
Huawei bị Mỹ truy tố tập đoàn các tội ăn cắp bí mật công nghiệp, lừa đảo ngân hàng, gian lận chuyển tiền, và vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ với Iran. Ảnh: CNN
Về chính phủ Trung Quốc, có lý do để tin nước này không dễ muốn làm gì thì làm với Mỹ. Trung Quốc hiện đang mắc kẹt trong cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ mà Trung Quốc rất muốn chấm dứt vì những tổn thất khổng lồ của nó với nền kinh tế mình. Bất kỳ hành động cứng rắn nào với Mỹ, chẳng hạn bắt giữ công dân Mỹ như đã làm với một số công dân Canada sau khi Canada bắt bà Mạnh, có thể sẽ gây khó cho cuộc thương lượng chấm dứt cuộc chiến.
Hiện Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc và Thứ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Thụ Văn đang ở Mỹ tham gia vòng thương lượng mới nhất với phía Mỹ. Theo lời Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin – có mặt trong phái đoàn thương lượng phía Mỹ, chuyện Mỹ truy tố Huawei và bà Mạnh không liên quan và ảnh hưởng đến cuộc thương lượng.