Truy tố Huy ‘nấm độc’ trốn trại tạm giam

VKSND tỉnh Bình Thuận vừa có cáo trạng truy tố Nguyễn Viết Huy (Huy “nấm độc”), Nguyễn Văn Nưng và Nguyễn Minh Hoàng về tội trốn khỏi nơi giam, giữ hoặc trốn khi đang bị dẫn giải, đang bị xét xử. Đây là vụ trốn trại giam từng gây xôn xao dư luận và các trinh sát tốn nhiều công sức mới bắt giữ được các bị can.

Se mùng buồng giam làm võng để cưa song sắt

Theo hồ sơ, tháng 6-2019, Huy bị tạm giam về tội tàng trữ trái phép chất ma túy. Huy và Nguyễn Văn Nưng (tội giết người) bị tạm giam tại buồng số 5, dãy nhà B, khu B thuộc trại tạm giam Công an tỉnh Bình Thuận.

Cả hai đã liên tục thuê điện thoại di động từ Võ Ngọc Thiện (đang là phạm nhân tự giác) với giá đến 7 triệu đồng để sử dụng trong khoảng thời gian từ khoảng 17 giờ chiều hôm trước đến sáng hôm sau. Huy dùng điện thoại liên lạc ra ngoài với nhiều người, trong đó có đàn em là Nguyễn Minh Hoàng để nhờ mua cưa sắt ném vào trong trại tạm giam. Sau nhiều lần ném thất bại, rạng sáng 29-6-2019, Hoàng mang bịch nylon đen bọc một cây chả, một cây nem nhét bên trong sáu lưỡi cưa sắt cùng một số vật dụng… nhờ người ném thành công vào trong trại tạm giam. Đến sáng, Huy và Nưng nhờ Thiện lấy giúp.

Huy, Nưng lấy các đoạn lưỡi cưa quấn vải làm cán rồi cưa song sắt cửa thông gió phía trước buồng giam. Để cưa được song sắt cửa thông gió cách nền buồng giam 3,25 m, cả hai đã dùng một chiếc mùng trại tạm giam phát, cột vào cửa thông gió tạo thành chiếc võng để ngồi cưa.

Huy “nấm độc” (cởi trần) và Nguyễn Văn Nưng khi bị bắt giữ. (Ảnh do công an cung cấp)

Ảnh trong quyết định truy nã Huy (trên) và Nưng. (Ảnh do công an cung cấp)

Vượt tường kẽm gai cao hơn 3 m

Từ trưa 29-6-2019, họ thay nhau leo lên cưa, đến giờ điểm danh và đưa cơm thì tháo mùng xuống, dùng kem đánh răng màu xanh trét vào các mối cưa để tránh bị phát hiện. Huy dự tính rạng sáng hôm sau sẽ cưa đứt song sắt để trốn ra ngoài nên chiều 29-6-2019 đã điện thoại gọi taxi ở TP.HCM ra Phan Thiết đón mình.

Sau đó, Huy nhắn tin số điện thoại của tài xế cho Hoàng để đón taxi và dặn Hoàng không tiết lộ việc trốn trại vì lo tài xế từ chối vận chuyển. Cùng với đó, Hoàng được nhắc chuẩn bị quần áo, tiền bạc để phục vụ việc tẩu thoát.

Đến khoảng 3 giờ sáng 30-6-2019 thì sáu mối cưa hoàn thành, ba thanh sắt cửa thông gió buồng giam bị vô hiệu hóa, tạo thành một lỗ trống cao 27 cm, rộng 17 cm, chéo 34 cm.

Sau khi chui ra khỏi buồng giam, Huy và Nưng đi trên các tấm đan xi măng về phía cuối dãy nhà B rồi bám tay vào vách tường đu người nhảy xuống khu vực đất bên trong trại. Để leo được qua bức tường thành trại giam cao 2,6 m, phía trên có nhiều dây kẽm gai vươn lên 80 cm, Huy đứng lên vai Nưng bám vào tường thành, cột chiếc mùng mang theo vào thanh sắt trên tường thành để Nưng bám leo lên rồi cả hai cùng nhảy ra ngoài trại tạm giam.

Khi ra đến đường, họ được Hoàng và một người không rõ lai lịch đón bằng xe máy đến đường Hùng Vương, TP Phan Thiết có taxi chờ sẵn đưa đi. Khi lên taxi, Hoàng đưa Huy ba lô quần áo và 4 triệu đồng, cùng đi với hai bị can vào TP.HCM. Tới TP.HCM, Huy cho Nưng 500.000 đồng để Nưng tự đi trốn.

Đến ngày 4-7-2019, Hoàng bị bắt tại huyện Hóc Môn, TP.HCM về hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy. Một hôm sau, Huy bị bắt tại TP Mỹ Tho, Tiền Giang và tới ngày 10-7-2019 thì Nưng sa lưới tại xã Lộc Phú, huyện Bảo Lâm, Lâm Đồng theo quyết định truy nã của Công an tỉnh Bình Thuận.

Theo cáo trạng, hành vi phạm tội của Huy, Nưng và Hoàng thuộc trường hợp phạm tội có tổ chức quy định tại điểm a khoản 2 Điều 386 Bộ luật Hình sự, cần xử lý nghiêm.

Khởi tố đại úy công an đưa điện thoại cho phạm nhân

Liên quan đến vụ án này, ngày 2-8-2019, Cơ quan điều tra VKSND Tối cao đã thực hiện lệnh bắt giam với Đại úy Lê Minh Sơn, cán bộ Đội Cảnh sát bảo vệ, công tác tại trại tạm giam Công an tỉnh Bình Thuận. Ông Sơn bị bắt về tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản theo Điều 355 của Bộ luật Hình sự 2015.

Truy tố Huy ‘nấm độc’ trốn trại tạm giam ảnh 3
Cơ quan điều tra VKSND Tối cao đọc lệnh bắt giữ đại úy Lê Minh Sơn. (Ảnh do công an cung cấp)

Cơ quan điều tra xác định lợi dụng nhiệm vụ được giao, ông Sơn đã mang điện thoại di động vào trong khu vực tạm giữ, tạm giam đưa cho một phạm nhân để người này mang vào trong buồng giam cho các bị can sử dụng. Tổng cộng ông Sơn đã nhận 91 triệu đồng từ việc “cho thuê” điện thoại này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm