Vào trường trái tuyến phải có chức, có tiền
Sắp vào năm học mới, không chỉ bọn trẻ mới nôn nao, hồi hộp mà những bậc cha mẹ hầu như ai cũng chạy đôn chạy đáo lo toan tiền bạc, nơi chốn học hành cho con cái. Nhất là những gia đình có con vào các lớp đầu cấp. Ai cũng muốn con cháu mình vào được các trường có truyền thống dạy tốt học tốt, tỉ số đậu cao. Nhưng đó là bài toán khó. Những người có quyền, có tiền thì sẽ dễ dàng thôi. Với người có quyền như “chú Tư, anh Tám” thì đôi khi chỉ cần một cú điện thoại, con anh cháu chú sẽ được ưu tiên vào trường điểm, trường chuyên. Còn kẻ lắm tiền thì vài chục “vé” cũng êm xuôi. Và ở đây cũng xin mở ngoặc: Hầu hết chuyện lo lót tiền bạc thường do những tay “cò chạy trường” thu xếp hết, qua những ngõ ngách nào không biết, thậm chí có khi quý vị hiệu trưởng, hiệu phó cũng không hay nhưng có “vé” thì trót lọt ngay. Ngày trước ông bà ta có câu “muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”. Bây giờ khác rồi, muốn êm xuôi phải có chức, có tiền. Dĩ nhiên không phải chuyện nào cũng xuôi chèo mát mái. Trước đây tôi có quen biết vị hiệu trưởng một trường chuyên, mỗi năm cứ gần vào khai giảng là ông tắt điện thoại, đi lánh đâu đó ít lâu để khỏi phải nghe điện thoại những chú Tư, anh Tám gọi gửi gắm con cháu. Còn có ai đem tiền bạc đến nhà đút lót cho vợ ông cũng không xong. Ông cấm tuyệt đối. Vợ ông mà cầm tiền là khổ với ông.
Có một số trường - dĩ nhiên là trường nổi tiếng, trường điểm lại đưa cho các bậc phụ huynh một sổ “tự nguyện đóng góp xây dựng và sửa sang trường lớp” - mà có người đã ví như “sổ đoạn trường” bởi khi đưa tay ký vào thì đứt từng khúc ruột - để các vị ký sổ vàng và nhà trường sẽ căn cứ vào khả năng đóng góp của từng người mà cứu xét cho nhập học hay không. Mặc dù đã có nhiều văn bản nhắc nhở của Bộ, Sở GD&ĐT nhưng phép vua nhiều khi vẫn thua lệ làng, sở cấm thì cấm, trường thu cứ thu! Và các bậc cha mẹ cũng ráng bấm bụng chạy tiền “tự nguyện đóng góp” mong con mình sẽ được dạy tốt, học tốt.
Hãy nghĩ xem mai mốt lớn lên các cháu biết được là cha mẹ chúng phải lo lót, chạy chọt tiền bạc cho ai đó để chúng được vào học, không biết rồi chúng sẽ nghĩ như thế nào?
Loại bỏ thói hư tật xấu trong giáo dục
Đổi mới giáo dục căn bản và toàn diện là quốc sách, là niềm hy vọng của những ai quan tâm tới một nền giáo dục nhân bản và khai phóng. Hy vọng sẽ không còn cảnh chạy chọt xin xỏ cho con cháu vào trường này trường nọ, rồi chạy bằng chạy cấp, “học giả bằng thật”. Bởi nhiều cán bộ cần bằng cấp để thăng quan tiến chức hoặc nhiều kẻ lắm tiền nhiều của nhưng “thiếu chữ” cần tấm bằng để lấy oai với đời. Phải loại bỏ những thói hư tật xấu trong giáo dục như chạy trường, học giả bằng thật... để vượt qua chính mình và ngẩng cao đầu.
Tôi nhớ trong một bài viết về cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt nhân sinh nhật thứ 80 của ông, GS-VS Nguyễn Văn Đạo, giám đốc đầu tiên của ĐH Quốc gia Hà Nội (đã mất năm 2006), ví việc Thủ tướng giao quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm cho các trường đại học có thể so sánh với “khoán 10” trong giáo dục đại học, phù hợp với quy luật phát triển đại học thế giới. Và bây giờ quốc sách “Đổi mới giáo dục căn bản và toàn diện” cũng đi theo khuynh hướng này. Còn cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt có lần nói: Trong thế giới ngày nay, nguồn lực hàng đầu là trí thức. Nói như thế không có nghĩa là đề cao những con người trí thức cụ thể, mà nói đến một điều kiện không thể thiếu cho sự phát triển.