Theo đó, cá nhân, hộ gia đình, chủ nguồn thải CTRSH thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn thành nhóm chất thải hữu cơ dễ phân hủy (thức ăn thừa, lá cây, rau, củ, quả, xác động vật); nhóm chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế (giấy, nhựa, kim loại, cao su, nylon, thủy tinh) và nhóm chất thải còn lại (không bao gồm chất thải nguy hại phát sinh từ hộ gia đình, chủ nguồn thải).
CTRSH tại nguồn sau phân loại phải được lưu chứa trong bao bì (túi) hoặc thiết bị lưu giữ (thùng) riêng biệt, có dấu hiệu nhận biết loại chất thải. Bao bì (túi), thiết bị lưu giữ (thùng) CTRSH sau phân loại phải có khả năng chống thấm, không làm rò rỉ nước rỉ rác, bốc mùi...
UBND phường, xã, thị trấn là cơ quan trực tiếp xem xét, giải quyết các phản ánh, kiến nghị của cá nhân, hộ gia đình, chủ nguồn thải và chủ thu gom, vận chuyển CTRSH trên địa bàn liên quan đến việc cung ứng dịch vụ thu gom.
Đối với khu vực đất thuộc quyền sử dụng, quản lý của cá nhân, tổ chức, trong trường hợp để tồn đọng và phát sinh CTRSH trên các khu đất này thì cá nhân, tổ chức đó phải chịu trách nhiệm thu gom và phun xịt khử mùi (nếu cần) trong vòng 24 giờ từ khi có phản ánh hoặc yêu cầu của chính quyền địa phương. Quá thời hạn nêu trên, cá nhân, tổ chức sẽ bị xử phạt.
Đối với khu vực đông dân cư và trong khu công nghiệp, khu chế xuất, tần suất thu gom tối thiểu là một ngày/lần. Đối với khu vực dân cư thưa thớt, tần suất thu gom tối thiểu 1-2 ngày/lần...