Từ thất hứa đến lừa cả đám

Nhiều công ty chỉ mới làm cái móng, qua các nhà môi giới đã rao bán, khách mua được ký kết hợp đồng góp vốn, đóng tiền nhiều đợt theo tiến độ công trình, làm được vài tầng đã thu gần hết tiền của khách nhưng công trình kéo dài năm này qua năm khác, mặc khách hàng dài cổ chờ đợi, chủ đầu tư tránh né hoặc “rời khỏi nơi cư trú”.

Một căn hộ bán cho nhiều người

Ông bạn thân của tôi người Bình Định, có hai con, một trai, một gái đều vô Sài Gòn học. Tốt nghiệp đại học, chúng kiếm việc làm ở TP, không đứa nào chịu về quê. Lúc còn độc thân, mỗi năm chúng còn về quê thăm cha mẹ được một đôi lần. Từ khi thằng anh cưới vợ, rồi con em lấy chồng thì chúng ít khi về quê. Chúng đều thuê phòng ở khá chật chội, mỗi khi cha mẹ ở quê vào thăm, chúng phải nhường giường cho ông bà già, còn vợ chồng chúng trải nệm dưới đất ngủ. Thấy vậy, sau này ông bà già ít vào thăm. Vì ở quê không có bà con gần gũi, vợ chồng già bàn tới bàn lui rồi quyết định bán cái nhà ở mặt tiền thị trấn được hơn tỉ đồng, mang vô Sài Gòn đặt mua căn hộ 64 m2 ở Thủ Đức, dự định cho vợ chồng thằng con trai và thằng cháu nội về ở chung, cũng tiện ông bà qua lại thăm cháu ngoại bên Phước Long, quận 9.

Qua công ty môi giới, thằng con trai tin tưởng bảo cha trả trước 50% khi thấy khu nhà đã thành hình nền móng, đang xây lên tới tầng ba. Khi xây tới tầng năm, ông phải trả thêm 20%. Tuy phải ở tạm với vợ chồng thằng con trong căn nhà thuê chật chội nhưng ông vẫn hồ hởi phấn khởi, ngày nào ông bạn tôi cũng đi ngang qua xem tiến độ công trình. Thế nhưng ông bị dội một gáo nước lạnh khi phát hiện chỉ một căn hộ mà họ đã bán cho ông và hai người nữa. Cả ba người cùng đi tìm chủ đầu tư, ban đầu họ bảo hỏi công ty môi giới vì họ đâu có trực tiếp ký. Khi đưa ra chính quyền thì giám đốc vắng mặt, chỉ cho nhân viên kinh doanh ra cãi chày cãi cối. Đến cuối năm thì giám đốc biến mất. Mấy chục người bị lừa thất thần hết lên công an trình báo, lại đi hỏi luật sư nhờ khởi kiện nhưng luật sư bảo chủ đầu tư đã bỏ trốn nên rất khó. Nghe đâu công trình đã bị thế chấp, ngân hàng đang làm thủ tục siết nợ để phát mại. Vợ chồng ông bạn tôi như người mất hồn, còn được 300 triệu đồng, họ tính xuống Hóc Môn hay Củ Chi mua cái nền giấy tay dựng cái nhà cấp 4 ở tạm để chờ chính quyền hay tòa án giải quyết. Không biết chờ đến bao giờ? Mà có giải quyết thấu lý đạt tình thì ông bạn tôi may lắm cũng chỉ được một phần ba thôi!

Ngay cả các công trình xây dựng cao ốc của nhiều công ty lớn cũng bị thất hứa, lùi ngày giao nhà từ năm này sang năm khác.

Mua đất giấy tay còn nguy hơn

Nghe tin ông bạn tôi tính xuống Hóc Môn, Củ Chi mua cái nền đất giấy tay, tôi vội vàng chạy lên can. Tôi bảo thôi thì thuê một căn nhà tương đối rộng một chút, góp tiền thuê ở với gia đình con trai, vừa chăm cháu nội, có bữa thì qua bên con gái lo cho cháu ngoại cũng tiện. Còn chuyện đi mua nền nhà trên đất nông nghiệp viết giấy tay thì còn phiêu lưu hơn nữa. Kể cả họ không lừa bán nhưng họ chỉ có một sổ đỏ nguyên mảnh ruộng, đem photocoppy, bán cho nhiều người chung một giấy phôtô. Đất nông nghiệp phải rộng cả ngàn mét chính quyền mới cho cắt. Rồi chuyện chuyển mục đích sử dụng đất còn nhiêu khê hơn.

Ngay cả các công trình xây dựng cao ốc của nhiều công ty lớn cũng bị thất hứa, lùi ngày giao nhà từ năm này sang năm khác. Lý do nghe qua có vẻ khách quan nhưng khách hàng nhiều người đã đóng gần hết tiền có cảm giác bị lừa. Buổi chiều cuối tuần, một anh bạn cán bộ ở quận 2 đang ngồi lai rai với tôi vài chai ở một quán bờ kè, nghe tôi kể chuyện ông bạn bị lừa khi mua một căn hộ ở Thủ Đức mà bán cho nhiều người, anh bảo anh cũng đặt tiền mua căn hộ trên đường Mai Chí Thọ từ sáu, bảy năm nay và cũng đang chờ nhận giao nhà dài cổ. Anh bực bội bảo: “Tôi thấy khu này lịch sự, lại tiện đi làm nên bán nhà bên quận 9, qua đặt tiền mua căn hộ này gần bảy năm nay, họ hẹn giao nhà năm 2012 mà thất hứa đến năm năm. Dù bất cứ lý do gì nhưng thất hứa dài hạn vậy có khác chi lừa khách hàng”.

Anh bạn trẻ đi với anh bạn cán bộ nói chen vào: “Trường hợp em còn tệ hơn. Em đặt tiền góp vốn mua căn hộ khu chung cư cao cấp ở Bình Thạnh, đóng 50% đã gần ba năm nay nhưng họ chỉ làm xong cái móng rồi để đó cả hai năm rồi. Nhiều người kéo nhau đến công ty thì phát hiện nó đã bị phá sản, ngân hàng siết nợ, chuẩn bị làm thủ tục bán lại cho công ty khác”.

Tôi an ủi cậu ta: “Ngân hàng phát mại xong thế nào theo luật họ cũng phải trả tiền lại cho những người góp vốn như bạn. Chứ còn trường hợp ông bạn tôi chủ đầu tư nó cao bay xa chạy, biết đâu mà tìm!”.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

TIN BUỒN

TIN BUỒN

(PLO)- Đồng chí Nguyễn Văn Hanh, nguyên Phó trưởng Đoàn Thường trực Đoàn Đại biểu Quốc Hội TP.HCM khoá IX, nguyên Ủy viên Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQVN, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQVN TP.HCM qua đời ở tuổi 99.